Điểm di tích Đô Kiệu hiện nay
Tại Đô Kiệu còn lại nhiều điểm di tích nhỏ, chúng phân bố thành hai khu. Khu thứ nhất phân bố trên vị trí đất tương đối bằng phẳng đối diện với khu vực thứ hai qua ngã ba suối Phủ Am Trà tại dốc Đô Kiệu. Khu thứ nhất còn một số bó nền kiến trúc, đặc biệt khu này có nhiều loại cây ăn quả như Bòng (Bưởi), Nhãn, Vải. Chính vì vậy còn được gọi là khu bạt Bòng, bạt Vải. Trong phạm vi các nền kiến trúc chưa tìm thấy dấy vết của gạch ngói hay các tảng kê chân cột. Theo suy luận của những nhà khảo cổ thì khu thứ nhất là khu sinh hoạt với các kiến trúc nhỏ, vườn cây.
Khu thứ hai nằm trên sườn phía Nam chân núi khu vực Thông Đàn 1, nơi được gọi là dốc Đô Kiệu. Tại đây có 2 cấp nền chính. Cấp thứ nhất cao hơn suối khoảng 3m, cấp thứ hai cao hơn cấp thứ nhất nhất khoảng – 2,5 m. Hai cấp nền được hình thành bằng việc bạt núi, kè nền để tạo mặt bằng. Trên hai cấp nền này hiện còn một số loại hình vật liệu kiến trúc của thời Trần và thời Lê, trong đó ngói mũi sen thời Lê rất phổ biến, đặc biệt tại đây cũng đã tìm thấy loại ngói cánh sen trên lưng in nổi hai chữ Vân Phong (雲 夆) là tên khác của chùa Ngọa Vân.
Ngói mũi sen in nổi hai chữ Vân Phong được tìm thấy ở Đô Kiệu
Việc tìm thấy loại ngói này ở Đô Kiệu đã chứng minh Đô Kiệu là một phần trong quần thể của Ngọa Vân. Theo suy luận của các nhà khảo cổ thì khu thứ hai là khu vực thờ tự.
Th.S: Nguyễn Văn Anh