Ngôi chùa Bắc Mã còn có tên chữ là Phúc Chí Tự, nghĩa là chùa hướng đến cái phúc. Chùa được xây dựng vào thời nhà Trần, khoảng cuối thế kỷ 14, sau đó được trùng tu nhiều lần đến năm 1994, chùa đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Ngôi chùa nằm trên một thế đất đẹp, hài hòa giữa khung cảnh thiên nhiên đầy thơ mộng, sơn thủy hữu tình. Trước mặt chùa qua một vườn bia tháp là một mặt hồ rộng hình bán nguyệt tiếp đó là cánh đồng rộng mênh mông thẳng cánh cò bay ta nhìn thấy cả cây Cầu Vàng và dãy núi Côn Sơn mờ mờ thơ mộng. Các phía bắc, đông, nam của ngôi chùa giáp với làng xóm trù phú, nơi thiên nhiên ưu ái cho vùng đất địa linh nhân kiệt. Vườn chùa rộng và mát mẻ bởi cây cối cổ thụ tạo nét rêu phong cổ kính. Phải nói rằng ngôi chùa là một tòa kiến trúc toàn vẹn và đẹp đẽ, trước cửa tiền đường được bố trí ba bậc lên xuống phân đều khoảng cách bằng bốn con rồng chạm tinh tế phân ra ba lối. Chính diện gian nhà tiền đường, phía trên cao treo một bức chạm nổi hình cuốn thư, trong lòng cuốn thư nổi lên bốn chữ “Phúc Chí Thiền Tự” sơn son thiếp vàng. Nghệ thuật điêu khắc ở chùa Bắc Mã được thể hiện khá tinh xảo ở các hiện vật còn lại như bia đá, con rồng, tháp, và các pho tượng… được kết hợp một cách khéo léo nghệ thuật của các thời Trần, Lê Trung Hưng và Nguyễn. Mái chùa được thiết kế uyển chuyển, mềm mại. Toàn bộ mái được lợp bằng ngói vẩy rồng đều đặn và được đỡ trên một bộ khung vững chắc… Lối đi giữa các khu được lát gạch, trong lúc đi dạo mệt mỏi, du khách có thể thả lỏng đôi bàn chân trần, chạm nhẹ vào nền đất, để cảm nhận sự bình yên, để gạt đi những lo toan mệt mỏi.
Trong thời gian chuẩn bị cho cách mạng tháng 8 năm 1945, chùa Bắc Mã là trụ sở đi về, hội họp của các thành viên ban lãnh đạo khu căn cứ cách mạng, trạm đón nhận cán bộ Việt Minh, thanh niên yêu nước từ các nơi tìm đến tham gia xây dựng khu căn cứ, là nơi gắn liền với tên tuổi của Trung tướng Nguyễn Bình. Chùa Bắc Mã đã trở thành một địa danh gắn liền với những thắng lợi vẻ vang của quân và dân Đông Triều với khởi nghĩa ngày 08 tháng 6 năm 1945 thành công lật đổ chính quyền tay sai Nhật, cùng nhân dân các địa phương trong tỉnh và cả nước tiến hành tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công.
Trong khuôn viên chùa hiện nay còn lưu lại các công trình, hiện vật tài liệu minh chứng cho những năm tháng hào hùng ấy như bia lưu niệm chiến khu Đông Triều ghi tạc tóm tắt sự ra đời của Đệ tứ chiến khu. Gần giữa khu, giáp với tường phía đông là nhà lưu niệm với diện tích 215m2 trưng bày nhiều hiện vật, di vật, tài liệu quan trọng về quá trình thành lập đệ tứ chiến khu đó là ảnh của các thành viên trong ban lãnh đạo khởi nghĩa chiến khu Trần Hưng Đạo, các đồng chí lãnh đạo Đảng từ những năm 30 hoạt động ở Đông Triều, ảnh các đình chùa, mỏ than, núi rừng… nơi hoạt động của nghĩa quân chiến khu, ảnh các đội chiến sĩ, du kích của Đệ tứ chiến khu. Hiện vật cũng được lưu giữ nhiều như: Đồ dùng của các đồng chí lãnh đạo chiến khu, vũ khí quân và dân ta đã sử dụng trong chiến đấu và các cờ, bằng Nhà nước trao tặng cho chiến khu và nhân dân Bắc Mã. Bên cạnh đó còn lưu giữ các hiện vật về thành quả đấu tranh chống Mĩ của quân và dân Đông Triều, các hình ảnh về quê hương Đông Triều trong thời kì đổi mới….
Có thể nói chùa Bắc Mã được xây dựng hài hòa với khung cảnh thiên nhiên. Toàn bộ địa điểm ghi những dấu ấn lịch sử còn được định hình rõ rệt tạo nên một khuôn viên vừa đẹp vừa mang tính thiêng liêng được bao quanh bởi làng quê trù phú, mát mẻ… Lễ hội xuân truyền thống chùa Bắc Mã diễn ra vào ngày 21-22 tháng Giêng hàng năm với nhiều hoạt động như: rước lễ, tế lễ, dâng hương tưởng niệm tại nhà bia, hội diễn văn nghệ quần chúng và các trò chơi dân gian....thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham dự.
Hiện nay, chùa Bắc Mã đang được đầu tư khôi phục lại đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Đồng thời nơi đây cũng là một trong những địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và nhất là thế hệ trẻ của thị xã Đông Triều.
Ban Tuyên giáo Thị ủy Đông Triều