Chùa quán Ngọc Thanh

Chùa, quán Ngọc Thanh - Nơi tu hành của các bậc cao tăng, đạo sĩ

16/12/2018 | 0
Chùa, quán Ngọc Thanh là tên thường gọi, chùa có tên chữ là “Linh Khánh tự”; đạo quán là “Ngọc Thanh quán” được xây dựng trên lưng chừng núi Đạm (hay núi Đạm Thủy), thuộc thôn Đạm Thuỷ, xã Thuỷ An, thị xã Đông Triều. Chùa quán nơi đây không chỉ nổi tiếng từ xưa, mà đây còn có lăng mộ hai vị vua Trần Duệ Tông và Trần Thuận Tông tạo thành một quần thể chùa, tháp, đạo quán, lăng miếu có giá trị được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ).

1. GIỚI THIỆU

Toàn cảnh Chùa, quán Ngọc Thanh nhìn từ trên cao

 

         Tương truyền “Ngọc Thanh quán” vốn là quán đạo nổi tiếng có từ thời Lý. Đến thời Trần được xây dựng khang trang trở thành chốn tùng lâm, đạo quán của các đạo sỹ tu tiên. Khi Hồ Quý Ly mưu soán ngôi đã ép vua Trần Thuận Tông về đạo quán Ngọc Thanh, về việc này, Sử cũ có ghi “Kỷ Mão, Kiến Tân năm thứ 2 (1399), mùa hạ, tháng 4, Quý Ly bắt ép vua (Trần Thuận Tông) phải xuất gia theo đạo giáo, ở quán Ngọc Thanh thuộc thôn Đạm Thuỷ”, bên cạnh đó nhà Trần cũng cho dựng chùa Linh Khánh, lăng mộ vua Trần Duệ Tông và Trần Thuận Tông tại nơi đây.

 

 

          Đến thời Lê Sơ, Nguyễn Trãi (1380 - 1442) trong một lần thăm lại Ngọc Thanh, xúc động trước cảnh và người nơi đây ông đã làm bài thơ “Đề quán Ngọc Thanh” rất nổi tiếng.

         Theo sách “Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ”, Ngọc Thanh đạo quán nằm ở phía Đông Nam của núi Đạm Thủy, dưới là chùa Linh Khánh, cạnh đó là lăng mộ của 02 vị vua Trần. So với hiện trạng khu vực hiện nay khá tương đồng với bản vẽ của sách trên.

 

 

Khu điện chính của Chùa, quán Ngọc Thanh

 

         Năm 2013 và 2016, khu vực di tích chùa quán Ngọc Thanh và Hy lăng đã được tổ chức khai quật khảo cổ học cho thấy: Phát lộ một số di tích có nền móng kiến trúc từ thời Trần đến thời Nguyễn, trong đó có cả dấu vết kiến trúc thuần Trần. Đặc biệt, các nhà khoa học đã tìm thấy dấu vết giếng nước hình phễu, thành giếng đã bị sập đổ vào trong lòng, các viên đá xếp tường thành đổ lấp kín lòng giếng, giếng có vị trí đặc biệt quan trọng, nó không chỉ là nơi cấp nguồn nước sinh hoạt, mà mang ý nghĩa biểu trưng quan trọng, được gọi là “huyệt đan sa”, một bộ phận không thể thiếu trong cấu trúc của đạo quán. Toàn bộ sườn núi Đạm Thủy phía Đông Nam đều được kè xếp đá tạo thành đường đi và bó nền gia cố cho toàn bộ khu vực. Ở phía sau đạo quán và ở phía dưới chân kè còn lại dấu vết đường đi xếp cuội và một số bó nền hình chữ nhật, hầu hết các dấu vết nền này hiện nhà chùa đã xây các thất đè lên trên. Các dấu vết nền này có thể trước đây cũng là những thất, nơi tu luyện của các nhà tu hành hoặc đạo sĩ...

 

 

 

 

         Nhìn chung, toàn bộ khu di tích đã bị cải tạo và thay đổi nhiều, các hiện vật thu được chủ yếu là các loại hình vật liệu kiến trúc của các thời Trần, Lê, Nguyễn, trong đó có các chân tảng bằng đá. Các di tích quán Ngọc Thanh, chùa Linh Khánh, Hy lăng, miếu thờ đã tạo thành cụm quần thể di tích nhà Trần rất đặc trưng, ít có nơi nào có được. Hàng năm, ngày 19/2 âm lịch đã trở thành ngày hội của chùa, quán Ngọc Thanh.

 

 

         Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, Hy lăng và chùa, quán Ngọc Thanh đã được quy hoạch, lập dự án, từng bước đầu tư tôn tạo trở điểm di tích lịch sử văn hóa, du lịch tâm linh phục vụ nhân dân, du khách thập phương trong nước và quốc tế đến dâng hương, chiêm bái.

4. AUDIO

3. HÌNH ẢNH

Chùa, quán Ngọc Thanh

Toàn cảnh chùa, quán Ngọc Thanh

Chùa, quán Ngọc Thanh

Điện thờ chùa, quán Ngọc Thanh

Chùa, quán Ngọc Thanh

Điện thờ chùa, quán Ngọc Thanh

Vườn tháp trong chùa, quán Ngọc Thanh

4. VIDEO

5. BẢN ĐỒ KHU DI TÍCH