Khu Đá Chồng ngày nay
Tại Đá Chồng, năm 2007 các nhà khảo cổ học đã phát hiện hàng loạt các dấu vết nền móng kiến trúc và khu sản xuất nguyên vật liệu phục vụ việc xây dựng các công trình kiến trúc trong quần thể Ngọa Vân. Các dấu vết hiện còn phân bố thành hai khu và được gọi là Khu Đá Chồng 1 và Khu Đá Chồng 2.
Toàn cảnh khu Đá Chồng (nhìn từ phía Tây Bắc)
Khu Đá Chồng 1 được bao bọc bởi các ngọn núi thuộc khu vực Đèo Voi ở mặt Đông Bắc và Tây Nam, núi đá cao ở Tây Bắc, núi Đá Chồng ở trước mặt, xa xa là hồ Bến Châu. Các di tích còn lại tại đây là dấu tích lớp kiến trúc phân bố dọc ở sườn Đông – Nam của ngọn núi ở phía Tây Bắc núi Đá Chồng (nay gọi là khu Chuồng Bò). Các dấu vết kiến trúc được bố cục thành một trục gồm nhiều lớp kiến trúc được phân bố từ chân núi lên tới đỉnh núi (từ độ cao 474m so với mặt nước biển đến độ cao 621m). Trục kiến trúc này bao gồm: hồ nước, khu vườn tháp, khu trung tâm, tịnh thất và vườn chùa.
Hồ nước của khu Đá Chồng 1 nằm phía trước của trục kiến trúc có diện tích khoảng 2ha, hồ được bổ sung nước từ nhiều dòng suối chảy từ các triền núi cao đổ xuống trong đó dòng suối chảy qua khu vườn phía Tây Bắc là dòng chủ yếu. Cùng với dãy núi bao bọc ở ba mặt, hồ nước là nơi tụ thuỷ phía trước để hoàn thiện bức tranh phong thuỷ tuyệt đẹp tạo lên thế đắc địa của di tích này. Ngày nay hồ đang bị cạn dần do bị bồi lấp bởi các đồi núi xung quanh đã bị tàn phá lớp che phủ.
Hồ nước ở khu Đá Chồng 1 ngày nay
Khu vườn tháp của khu Đá Chồng 1 nằm tiếp giáp bên bờ Tây Bắc của Hồ nước, trên ngọn của một quả đồi thấp có độ cao trung bình 490m so với mặt nước biển, ngọn quả đồi được san gạt tạo mặt phẳng, bốn xung quanh được kè xếp đá tạo thành nhiều cấp theo kiểu hình tháp.
Cấu kiện tháp ở khu Vườn tháp của khu vực Đá Chồng 1
Ở giữa khu vực khu vực này còn lại nhiều các cấu kiện tháp bằng đá bao gồm các cấu kiện bệ, thân, mái và chóp tháp. Các cấu kiện này cho thấy đây là khu vực có ngôi tháp đá quy mô khá lớn, chất liệu và cấu trúc các cấu kiện còn lại cho thấy, tháp này hoàn toàn giống với tháp Phật Hoàng và tháp Đoan Nghiêm ở khu vực Am Ngọa Vân và tháp Phụng Phật tháp ở khu vực Thông Đàn. Khu vực phía đông bắc của Tháp có một số chân tảng bằng đá cát và rất nhiều ngói mũi sen không trang trí thời Lê Trung hưng và khá nhiều đồ gốm men, đồ sành. Như vậy, khu vườn tháp có thể có một tổng hợp công trình kiến trúc gồm tháp ở giữa và các kiến trúc khác ở phía đông bắc.
Khu trung tâm của khu Đá Chồng 1 nằm kế sau khu vườn tháp cách khu vườn tháp một con suối nhỏ, suối rộng khoảng 5m, bờ suối được kè xếp thành tường kè nền của khu vực vườn tháp và sân của khu trung tâm. Khu trung tâm có mặt bằng tổng thể hình chữ nhật chạy dài theo hướng tây bắc - đông nam với bố cục chi tiêt gồm: sân trước, kiến trúc thứ nhất, sân giữa, và cụm kiến trúc thứ hai. Sân trước thấp hơn kiến trúc thứ nhất 4m, từ sân lên nền kiến trúc thứ nhất có các bậc lên xuống xếp bằng đá; kiến trúc thứ nhất có mặt bằng hình chữ nhật, qua các tảng kê chân cột còn lại có thể thấy kiến trúc này có kết cấu 3 gian 4 hàng cột, mỗi hàng 4 cột; khoảng sân giữa kiến trúc thứ nhất và kiến trúc thứ 2 thấp hơn nền thứ nhất 1m. Cụm kiến trúc thứ 2 chưa xác định rõ gồm bao nhiêu kiến trúc. Tuy nhiên, bước đầu đã nhận diện được hai mặt bằng: mặt bằng thứ nhất hình chữ nhật còn lại một số tảng kê chân cột, mặt bằng thứ hai cũng hình chữ nhật nhưng nhỏ hơn so với mặt bằng thứ nhất và cách mặt bằng thứ nhất 4m về phía đông bắc. Khoảng cách này có thể là phần sân nằm giữa hai kiến trúc. Phía sau kiến trúc này còn một khoảng không gian rộng hiện chưa rõ chức năng. Như vậy tổng thể có thể xác định được mặt bằng khu trung tâm bao gồm cấu trúc các lớp nền, khoảng sân. Tuy nhiên, cấu trúc chi tiết của các kiến trúc này như thế nào còn đang chờ đợi ở các kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học trong tương lai.
Dấu vết nền móng kiến trúc ở khu Đá Chồng 1
Khu tịnh thất của khu Đá Chồng 1 gồm 2 mặt bằng kiến trúc hình gần vuông có diện tích 25m2. Một mặt nằm ở lưng chừng sườn núi, mặt còn lại ở trên đỉnh núi. So sánh với các di tích ở Hồ Thiên và khu vực trung tâm của Ngọa Vân có thể thấy rất rõ đặc trưng của một cụm chùa ở Ngọa Vân luôn có một hoặc một khu tịnh thất ở phía sau trên vị trí cao hơn chùa chính.
Khu vườn chùa của khu Đá Chồng 1 nằm ở phía đồng bắc của khu vực trung tâm. Khu vực này đã bị các cây rừng mọc kín song vẫn có thể nhận thấy dấu vết đường đi xếp cuội và một số cây cối được trồng ở đây.
Khu Đá Chồng 2 là khu đất tương đối bằng phằng nằm ở sườn Tây Nam của núi Đá Chồng. Tại đây, đã tìm thấy 2 mặt bằng kiến trúc và dấu vết lò nung ngói thời Lê Trung hưng. Tại khu vực này có mặt bằng kiến trúc với hai dấu vết. Dấu vết kiến trúc thứ nhất nằm cách ngọn Đá Chồng 102m theo đường thẳng về phía Tây lệch Bắc. Dấu vết kiến trúc này đã bị đào phá nên không xác định rõ được mặt bằng của kiến trúc, tuy nhiên ở đây đã tìm thấy rất nhiều ngói mũi sen không trang trí thời Lê Trung hưng và các tảng kê chân cột bằng đá laterit. Bên cạnh đó có khá nhiều loại hình đồ sành và đồ gốm men thời Lê Trung hưng cũng được tìm thấy ở đây. Dấu vết thứ hai nằm cách dấu vết kiến trúc thứ nhất 100m theo đường thẳng về phía đông nam. Mặt bằng nền móng của dấu vết kiến trúc có hình chữ nhật, diện tích 46m2 (dài tây bắc - đông nam 10m, rộng tây nam - đông bắc 4,6m), xung quanh nền được kè xếp bằng đá, mặt nhìn về phía Đèo Voi (tây nam).
Lò nung ngói, chân tảng và ngói mũi sen ở khu Đá Chồng 2
Ngoài ra, nhà khảo cổ học tìm thấy Dấu vết lò nung ngói, nằm tại khu vực đất bằng ở phía Tây Nam của hồ nước, dưới chân của dấu tích kiến trúc thứ nhất.Lò nung ngói có mặt bằng hình chữ nhật, kích thước 3,4x2,6m. Trong lòng lò còn sót lại một số mảnh ngói mũi sen thời Lê Trung hưng giống như các loại ngói đã được tìm thấy tại khu Ngoạ Vân, Đá Chồng và chùa Ba Bậc
Như vậy, khu vực Đá Chồng là một cụm các công trình chùa tháp nằm trong quần thể của khu di tích Ngoạ Vân. Các dấu vết kiến trúc sớm nhất được phát hiện tại đây cho đến nay đều thuộc thời Lê Trung Hưng. Trong đó, Đá Chồng 1 là khu vực trung tâm, nó được xây dựng trên một khu vực có địa thế đẹp về cả tự nhiên lẫn tâm linh (phong thuỷ) với dãy núi đá cao ở mặt Đông Nam, minh đường tụ thuỷ, hậu chẩm có núi cao. Không chỉ là một khu di tích lịch sử, văn hoá mà Đá Chồng còn là một di tích cách mạng. Nơi được xem như là căn cứ cách mạng dưới thời kháng chiến chống thực dân Pháp, là nơi che chở cho Thành uỷ Hải Phòng trong những năm bị giặc Pháp càn quét, đó là phần hậu cứ của Chiến khu Đông Triều. Vì lý do này, có thể gọi khu Đá Chồng là khu di tích lịch sử, văn hoá và cách mạng.
Th.S: Nguyễn Văn Anh