Đền Thái

THÁI MIẾU NHÀ TRẦN TẠI ĐÔNG TRIỀU

01/03/2019 | 0
Đền Thái (Thái miếu) (太廟) là nơi thờ các vị vua hay còn gọi là tổ miếu nhà vua, nó còn được gọi là Tẩm Miếu (寢廟) là tòa nhà quan trọng nhất trong hệ thống tổ miếu của các vương triều

1. GIỚI THIỆU

THÁI MIẾU LÀ GÌ

         Thái miếu (太廟) là nơi thờ các vị vua hay còn gọi là tổ miếu nhà vua, nó còn được gọi là Tẩm Miếu (寢廟) là tòa nhà quan trọng nhất trong hệ thống tổ miếu của các vương triều chịu ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo. Trong quan điểm của Nho giáo thì: “Bố không thờ ở nhà con thứ, quân tử không thờ ở nhà thần bộc, nhà vua không thờ ở nhà chư hầu”; việc chủ trì tế lễ ở Thái miếu phải do đích thân nhà vua thực hiện với ý nghĩa, thực thi nghĩa vụ của người nối dõi của dòng tộc và triều đại.

         Thái miếu là công trình quan trọng bậc nhất trong hệ thống tổ miếu của các vương hầu chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo. Theo đó, việc thờ cúng tôn miếu và lăng tẩm quyết định đến sự tồn vong của triều đại, dòng tộc; sự hưng thịnh và lâu bền của xã tắc. Tại Trung Hoa, khi nhà Hán thành lập (năm 221), về mặt hình thức nhà Hán lấy Nho giáo là hệ thống tư tưởng chính trị chính thống, nhưng trên thực tế, trong bối cảnh đất nước Trung Hoa mới được thống nhất, nhiều vấn đề xã hội không thể thay đổi ngay lập tức nên, một mặt Hán Cao Tổ (256-195 TCN) vẫn giữ lại nhiều phần cơ cấu hành chính của nhà Tần, mặt khác thi hành một số chính sách để giảm sự cai trị tập trung bằng cách lập ra các nước chư hầu ở một số vùng nhằm có được sự thuận lợi về chính trị đồng thời để thỏa mãn một số đồng minh, những người đã giúp ông có được giang sơn nhà Hán. Để tạo nên mối gắn kết về tinh thần, ông ra lệnh cho tất cả các nước chư hầu đều phải xây dựng Thái miếu tại thủ phủ của mỗi nước chư hầu thay vì chỉ có một Thái miếu ở Kinh đô như quan niệm của Nho Giáo.

         Đến thời Nguyên Đế (76-33 TCN), khi Nho giáo đã ngày càng khẳng định vị thế của mình với quan điểm Tam Cương, Ngũ Thường, xu hướng tập quyền của chính quyền ngày càng được củng cố. Với quan niệm cho rằng “bố thì không thờ ở nhà con thứ, quân tử không thờ ở nhà thần bộc, nhà vua không thờ ở nhà chư hầu”, để thể hiện uy thế của dòng tộc và uy quyền của vương triều, việc thờ cúng tổ tiên của nhà vua chỉ được thực hiện bởi nhà vua với tư cách là người nối dõi của dòng tộc, Thái miếu cũng chỉ được xây dựng ở Kinh đô. Như vậy, thời Nguyên Đế (76-33 TCN) nhà Hán đã bắt đầu quy định Thái miếu chỉ được xây dựng ở kinh đô, các nước chư hầu chư hầu không được xây dựng thái miếu tại nước mình mà, hằng năm, các chư hầu phải về bái yết Thái miếu ở kinh đô. Quy định này được các triều đại Trung Hoa sau này tiếp tục duy trì theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn.

         Đối với các triều đại phong kiến Việt Nam, việc xây dựng lăng tẩm và thái miếu được coi là việc làm quan trọng, nhất là từ khi Nho giáo được đề cao và chế độ tập quyền được củng cố. Trong giai đoạn đầu xây dựng nhà nước độc lập, các nhà nước Đinh, Tiền Lê và thậm chí cả nhà Lý với việc lấy Phật giáo là tư tưởng chính, thể chế xã hội chưa mang tính tập quyền cao vì vậy Thái miếu chưa được chú trọng. Ghi chép của các bộ quốc sử như Đại Việt sử lược; Đại Việt sử ký toàn thư đều không thấy nhắc đến việc triều Đinh và Tiền Lê xây dựng Thái miếu, mà chỉ nhắc đến việc triều Đinh và triều Tiền Lê cho xây dựng nhiều chùa lớn. Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi, lập lên nhà Lý, tháng 7 năm sau ông cho dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình hiện nay) về Đại La và đổi tên thành Thăng Long (Hà Nội hiện nay), xây dựng thành quách, cung điện, lầu các nhưng cũng không thấy nhắc đến việc xây dựng thái miếu. Điều này càng được thể hiện rõ qua nhận xét của sử thần Lê Văn Hưu trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Lý Thái Tổ lên ngôi mới được hai năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm tăng hơn nghìn người ở Kinh sư”.

         Năm Kỷ Mùi, niên hiệu Thuận Thiên năm thứ 10 (1019), nhà Lý cho xây dựng thái miếu ở phủ Thiên Đức, tức là sau 10 năm có được thiên hạ, vua Lý Thái Tổ mới cho xây dựng Thái miếu. Tư liệu hiện có cho thấy, năm 1019 là lần đầu tiên việc xây dựng thái miếu được tiến hành, tuy nhiên thái miếu không được xây dựng ở Kinh đô mà được xây dựng tại Thiên Đức - quê hương của nhà Lý. Các tư liệu cũng cho thấy, kể từ khi thái miếu được xây dựng ngoài các kỳ lễ yết bái lăng tẩm, thái miếu hàng năm, các buổi lễ quan trọng như lễ báo công, lễ tạ ơn chiến thắng cũng đã được tổ chức ở thái miếu.

         Nhà Trần, sau khi tiếp nhận thiên hạ từ nhà Lý bằng cuộc hôn nhân giữa vua Lý Chiêu Hoàng và Thái Tông Trần Cảnh, nhà Trần kế thừa các thành quả mà nhà Lý đã đạt được trước đó, tiếp tục xây dựng đất nước theo mô hình quân chủ Phật giáo thân dân, lấy tư tưởng Phật giáo làm chủ đạo trong sự hài hòa với Nho giáo, Đạo giáo và các tín ngưỡng khác. Bản thân các vua Trần đều quan niệm rằng “Thiên hạ là của cha ông để lại, nên để cho anh em cùng hưởng phú quý” do vậy các vương hầu đều có phủ đệ riêng của mình, khi chầu mới đến kinh sư, xong việc lại về phủ đệ của mình. Các vương hầu và người có cống hiến đặc biệt cho nước được ban quốc tính đều được phân phong thái ấp hoặc ấp thang mộc. Ngoài ra các vương hầu còn được phép lập điền trang, thu thập dân nghèo để khẩn hoang. Mỗi điền trang, thái ấp là một đơn vị có tính độc lập tương đối với triều đình trung ương, các phủ đệ đều có dân, có quân đội (gia binh) và tài chính độc lập. Do vậy, trong mỗi phủ đệ ngoài nơi ở của chủ nhân còn có các công trình tín ngưỡng, tôn giáo. Theo ghi chép của Trần Phu, một sứ giả của nhà Nguyên, người đã đến Đại Việt vào năm 1293 thì, tại Thăng Long nhà Trần có dựng thái miếu, tuy nhiên theo Trần Phu, thái miếu ở Thăng Long không được tế lễ thường xuyên. Đại Việt sử ký cho biết, Thái miếu nhà Trần xây dựng ở Tức Mặc là đất phát tích của nhà Trần, hằng năm đều tổ chức tế lễ tại đây. Ngoài thái miếu ở Thăng Long và Tức Mặc, Trần Phu còn cho biết, trong phủ đệ của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật tại phủ Tinh Hoa, tức khu vực Nghệ An hiện nay cũng có dựng thái miếu. Điều này cho thấy, dưới thời Trần Thái miếu không chỉ được xây dựng ở kinh đô mà thái miếu còn được xây dựng tại phủ đệ của các vương hầu, quý tộc nhà Trần.

         Như vậy, có thể thấy do những khác biệt về mô hình tổ chức nhà nước, hệ tư tưởng và văn hóa, với đặc trưng là nhà nước quân chủ Phật giáo thân dân, lấy tư tưởng tam giáo (Nho – Phật – Đạo) cùng đồng hành phát triển, nhà Trần đã không quá đề cao quan điểm “bố thì không thờ ở nhà con thứ, quân tử không thờ ở nhà thần bộc, nhà vua không thờ ở nhà chư hầu” của Nho giáo mà quan niệm rằng “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông. Người thừa kế cơ nghiệp của tổ tông phải cùng hưởng phú quý với anh em trong tông thất. Tuy bề ngoài là cả thiên hạ phụng sự một người tôn quý, nhưng bên trong thì ta với các khanh là anh em máu mủ, lo thì cùng lo, vui thì cùng vui”. Do vậy, Tông miếu không chỉ được xây dựng ở Kinh đô như quan niệm của Nho giáo mà còn được xây dựng ở các phủ đệ của các vương hầu quý tộc, đồng thời việc thờ tự cũng vì thế không chỉ là trách nhiệm của vua mà của tất cả vương hầu trong tông thất.

THÁI MIẾU NHÀ TRẦN Ở ĐÔNG TRIỀU

         Thái miếu, nhân dân địa phương thường gọi là đền Thái do An Sinh vương Trần Liễu xây dựng khi ông được vua Trần Thái Tông đem đất An Sinh ban cho ông làm đất thang mộc. Khi An Sinh vương mất, nhà Trần đã tiếp tục sử dụng và mở rộng Tổ miếu thành Thái Miếu của Hoàng gia, tức là nếu như trước đó, Tổ Miếu chỉ là nơi thờ phụng tổ tiên của nhà Trần và thượng hoàng Trần Thừa thì khi trở thành thái miếu của Hoàng gia, các vị vua Trần sau khi mất đều được thờ tự tại đây. Thái miếu được xây dựng trên một quả đồi thấp, nơi nhân dân hiện nay gọi là đồi Đình. Các hướng đều có núi cao bao bọc, trong đó núi Bảo Đài (nơi Trần Nhân Tông hóa Phật) là núi cao nhất nằm ở phía Bắc là hậu chẩm, các dãy núi hai bên tả, hữu chầu về tạo thành tay ngai vững trãi; suối Phủ Am trà bắt nguồn từ đỉnh Bảo Đài uốn lượn chảy quanh từ phía Đông vòng về trước tạo thế Minh đường tụ thủy. Trải qua binh đao, hỏa hoạn, đặc biệt là sau 20 năm đất nước dưới sự đô hộ của nhà Minh, thái miếu nhà Trần tại Đông Triều đã bị phá hủy và dần bị mai một nên hầu như không ai biết tại đây vốn đã từng tồn tại một quần thể kiến trúc lớn và quan trọng, nơi đặt tông miếu của nhà Trần.

         Trong các năm 2008 – 2010, các nhà khảo cổ học phát hiện, khai quật và làm rõ cấu trúc, quy mô và tính chất và khẳng định đền Thái theo cách gọi của nhân dân địa phương chính là Thái miếu của nhà Trần được xây dựng tại Đông Triều, quê gốc của của nhà Trần. Kết quả khai quật khảo cổ cũng cho thấy, Thái miếu được xây dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ 13 và được tôn tạo mở rộng qua 3 giai đoạn khác nhau.

         Giai đoạn đầu tiên, Thái miếu gồm 4 toà kiến trúc lớn nằm ngang theo chiều Đông – Tây, mỗi tòa mặt bằng rộng trung bình từ 420m2 đến 543m2, trong đó tòa ở giữa có diện tích lớn nhất là 543m2. Các tòa được kết nối liên hoàn với nhau bằng các kiến trúc kiểu ống muống ở gian giữa và các kiến trúc kiểu hành lang kết nối các gian đầu hồi, tạo thành một trường lang khép kín. Xen giữa các kiến trúc là các khoảng sân vườn, ở giữa các khoảng sân vườn cũng tìm thấy dấu vết của những bồn cây, cho thấy tại các sân vườn còn trồng các loại cây để tạo cảnh quan; hai bên có kiến trúc kiểu tả vu, hữu vu.

         Do quá trình sử dụng, nhu cầu không gian thờ tự, nhất là khi An Sinh vương mất, Hoàng gia tiếp quản và chuyển đổi Thái miếu thành Thái miếu của Hoàng gia thì nhu cầu không gian thờ tự và lễ nghi tăng lên, Thái miếu đã được mở rộng. Bốn kiến trúc chính và các kiến trúc ống muốn và hành lang ở giữa được giữ nguyên; kiến trúc tả vu và hữu vu được phá đi để xây dựng hành lang mới và sân vườn ra hai phía Đông Tây. Hành lang mới tạo thành một trường lang dài bao bọc lấy các kiến trúc cũ tạo thành một tổ hợp kiến trúc liên hoàn. Đây được đánh giá là giai đoạn thứ hai, khi kiến trúc của Thái miếu có quy mô lớn nhất, bố cục hài hòa nhất.

         Giai đoạn thứ 3 là thời kỳ một số công trình kiến trúc nhỏ, nhất là các ống muống được cải tạo, một số kiến trúc mới được xây mới ở khu vực sân phía trước còn các kiến trúc lớn được xây dựng từ giai đoạn thứ nhất và thứ hai vẫn được duy trì. Nguyên nhân của sự thay đổi được cho là do đòi hỏi về nhu cầu sử dụng không gian thờ tự và lễ nghi ngày càng tăng, trong khi đó không gian bên ngoài không còn nên các kiến trúc phải bố cục lại cho phù hợp với đòi hỏi mới.

         Bên cạnh các nền móng kiến trúc, khảo cổ học cũng còn tìm thấy nhiều loại hình hiện vật, trong đó có một số đồ sứ và đồ gốm men cao cấp là những đồ được dùng trong sinh hoạt của hoàng gia. Đáng kể nhất trong số này là việc đã tìm thấy những mảnh vỡ của một chiếc chậu hoa nâu có vẽ hoa sem và rồng, những mảnh vỡ này được ghép và phục nguyên hình dáng, theo đó chậu có đường kính 96cm, thân vẽ hoa sen dây và 8 con rồng. Đây là một trong những chậu gốm hoa nâu thời Trần lớn nhất hiện còn.

         Ngày nay, với vị trí và tầm quan trọng của di tích thái miếu, sau khi được khai quật nghiên cứu, Thái miếu đã được bảo tồn, trùng tu, tôn tạo phục vụ nhu cầu tham quan, chiêm bái của nhân dân và du khách thập phương. Thái miếu hiện nay gồm 3 khu: khu dịch vụ gồm bãi đậu xe, và nơi đón tiếp khác; khu bảo tồn các dấu vết nền móng kiến trúc thái miếu thời Trần và khu đền mới.

         Sau khi đi qua bãi xe và khu đón tiếp, du khách đi qua nghi môn là bước vào khu trung tâm của Thái miếu.

Nghi môn:

Nghi Môn

Nghi Môn

 

Nghi môn được xây dựng mới bằng đá xanh, mặt trước của hai trụ chính có câu đối nêu khái lược lịch sử và các bước thăng trầm của Thái miếu, đồng thời ghi nhận công đức của nhà Trần đối với lịch sử dân tộc vì vậy Thái miếu được phục hồi và câu đối ở mặt trước của hai trụ bên ca ngợi cảnh đẹp và thế đất nơi dựng Thái miếu. Cụ thể:

Chữ Hán:

Phiên âm:

Nhị bách tải cơ đồ, văn trị vũ công quang Việt sử

Ức vạn niên cung miếu, thu thường xuân tự vĩnh Trần tông

Dịch nghĩa:

Hai trăm năm cơ đồ, văn trị võ công rạng ngời sử Việt

Muôn vạn năm cung miếu, bốn mùa cúng tế mãi mãi họ Trần)

Vế thứ nhất của câu đối nêu quá trình tồn tại gần hai trăm năm của triều Trần với văn trị và võ công làm rạng ngời sử sách nước Việt. Vế thứ hai nêu rõ với những đóng góp to lớn cho lịch sử dân tộc, công đức của các vua Trần mãi được ghi nhớ, nơi thờ các vị bốn mùa được cúng tế.

Nội dung câu đối mặt trước hai trụ ngoài của nghi môn:

Chữ Hán:

Phiên âm:

Giai khí uất thông, sơn củng giang triều long thể thế

Tường vân liễu nhiễu, trúc bào tùng mậu tráng quy mô

Nghĩa là:

Khí đẹp ngút ngàn, sông núi chầu về, oai hùng thế đất.

                    Mây lành vấn vít, trúc tùng tươi tốt, tráng lệ quy mô.

Khu nền móng kiến trúc Thái miếu xây dựng dưới thời Trần

         Đi qua Nghi môn, bước qua 45 bậc đá là bắt đầu vào đỉnh đồi, nơi các công trình kiến trúc quan trọng của Thái miếu thời Trần. Toàn bộ nền móng kiến trúc Thái Miếu thời Trần phân bố trên diện tích khoảng hơn 6000m2 đã được khai quật khảo cổ sẽ được bảo tồn nguyên trạng dưới lòng đất. Phía trên sẽ phục dựng lại mặt bằng kiến trúc của Thái miếu ở giai đoạn hoàn thiện nhất, nhằm giới thiệu với nhân dân và du khách về cấu trúc, quy mô của Thái miếu thời Trần, đồng thời cũng tạo thành cảnh quan, sân vườn cho công trình Thái miếu được xây mới ở phía sau.

Công trình Thái miếu mới được xây dựng

         Công trình Thái miếu mới được xây dựng ở phía sau khu Trung tâm của Thái Miếu thời Trần, trên cùng một trục với Thái miếu cũ, lấy núi Bảo Đài làm hậu chẩm, mặt hướng về cánh đồng phía Nam, nơi vốn là vùng trũng, tụ thủy, nay còn lại dấu vết hai mắt rồng là điểm hội thủy tạo thế minh đường của toàn bộ khu Thái Miếu như câu đối ở nghi môn: Khí đẹp ngút ngàn, sông núi chầu về, oai hùng thế đất; Mây lành vấn vít, trúc tùng tươi tốt, tráng lệ quy mô.

Kiến trúc chính của Thái miếu có mặt bằng hình chữ công gồm: Tiền Đường, Trung Đường và Hậu Cung.

Tiền Đường:

Tiền đường

 

         Tiền đường có cấu trúc 5 gian hai trái, kết cấu chồng rường, giá chiêng, họa tiết hoa văn mô phỏng họa tiết hoa văn thời Trần. Tại đây, gian chính giữa có bức đại tự gồm 4 chữ: Trần Triều Thái Miếu (陳朝太廟) tức là Thái miếu triều Trần. Gian chính giữa là nơi đặt hương án thờ vọng các vua Trần; bên trái là nơi phối thờ Vương hầu thân thần triều Trần; bên phải là nơi phối thờ Văn võ công thần triều Trần. Hai gian thu hồi là nơi thờ Sơn thầnThổ địa. Khác với các triều đại khác, nhà Trần quan niệm, “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông. Người thừa kế cơ nghiệp của tổ tông phải cùng hưởng phú quý với anh em trong tông thất. Tuy bề ngoài là cả thiên hạ phụng sự một người tôn quý, nhưng bên trong thì ta với các khanh là anh em máu mủ, lo thì cùng lo, vui thì cùng vui”. Do vậy, nhà Trần có chế độ phân phong thái ấp cho vương hầu, quý tộc. Trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc, các vương hầu, quý tộc nhà Trần đã có đóng góp rất to lớn. Vì vậy, bên cạnh các vị văn võ công thần ở đây còn phối thờ Vương hầu, thân thần triều Trần.

         - Hoành Phi trên hương án thờ vọng các vị vua Trần: 1). Trần Triều Thái Miếu(陳朝太廟) tức là Thái miếu triều Trần. 2). Phía sau Trần Triều thái miếu là: Đông A Chính Khí (東阿正氣). 3). Phối thiên kỳ trạch (配天其澤), tức là Ân huệ sánh với trời, ý ca ngợi công đức của triều Trần sánh ngang với trời.

         - Hoành phi gian bên trái, nơi phối thờ Vương hầu thân thần triều Trần: 1) Vĩ tích hồng huân (偉績洪勳), nghĩa là: Công tích vĩ đại, ý nói công đức của các vị vương hầu quý tộc thật vĩ đại. 2). Vũ công chỉ định (武功 耆 定), Nghĩa  là: Võ công đại định và trong cùng là: Ngọc Điệp lưu huy (玉牒流輝). Ngọc điệp là gia phả của Hoàng tộc, Ngọc Điệp lưu huy có nghĩa là dòng dõi truyền rạng ngời.

         - Hoành phi gian bên phải, nơi phối thờ văn võ công thần triều Trần: 1). Chí trung đại nghĩa (至忠大義) nghĩa là: Trung Nghĩa tột cùng nhằm ca ngợi sự trung hiếu, tiết nghĩa của văn võ công thần triều Trần, 2). Văn Đức đản phu (文德誕敷), nghĩa là: Văn đức tỏa rộng ý ; 3) Kim âu Vĩnh điện(金甌永奠), nghĩa là: mãi mãi vững âu vàng. Chữ trên đại tự tại nơi thờ Văn, Võ công thần nhà Trần nhằm ca ngợi võ công, văn trị của văn, võ công thần nhà Trần, những người tài đức vẹn toàn, trung nghĩa tột cùng, nhờ đó mà nhà Trần có được một tinh thần, vua tôi đồng lòng, trên dưới hòa thuận, anh em góp sức tạo lên sức mạnh đoàn kết, vượt qua những thách thức của thời đại để non sông muôn thuở vững âu vàng.

Trung Đường

         Chính giữa của Trung Đường là nơi đặt nhang án bái vọng hậu cung, nơi thờ thần vị các vua Trần. Tại đây, chính giữa có bức Đại tự: Thanh Miếu túc ung (清廟肅雝), nghĩa là: Miếu thanh tịnh, nghiêm trang hòa mục. Bên trái là lối vào hậu cung, trên có bức hoành phi: Túc Tướng (肅相), nghĩa là: nghiêm trang tế lễ; đối với bên phải là Khải Hựu (啟佑), nghĩa là Đạo rạng tỏ, công nghiệp kế thừa vĩ đại.

Hậu Cung

 

 

 

         Hậu cung là nơi đặt bài vị thờ phụng các vua Trần. Theo lễ cổ thì chỉ có các vị vua có miếu hiệu (Tổ, Tông,…) thì mới được thờ trong Thái miếu, còn lại, những vua bị phế truất thì không được thờ trong Tông miếu. Đúng theo quy định đó, triều Trần chỉ có các vua: Thái Tổ (cụ Trần Thừa), Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông, Nghệ Tông, Duệ Tông, Thuận Tông mới được thờ trong Thái Miếu. Các vị như Phế Đế, Thiếu Đế khi mất không còn ở ngôi, không có miếu hiệu; các vị thời Hậu Trần như Giản Định, Trùng Quang cũng không có miếu hiệu, theo lễ cổ là không thờ ở Thái miếu mà thờ ở miếu riêng. Tuy nhiên, thời hiện đại, lễ do nghĩa mà ra, do vậy, xem xét trong điều kiện hiện nay và nhằm thể hiện tình cảm của người thời nay với các tiền nhân, Thái miếu nhà Trần ở Đông Triều thờ phụng tất cả 14 vị vua Trần, trong đó có 12 vị vua thời Trần: 1) Thái tông hoàng đế; 2) Thánh tông hoàng đế; 3) Nhân tông hoàng đế; 4) Anh tông hoàng đế; 5) Minh tông hoàng đế; 6) Hiến tông hoàng đế; 7) Dụ tông hoàng đế; 8) Nghệ tông hoàng đế; 9) Duệ tông hoàng đế; 10) Thuận tông hoàng đế; 11) Xương phù đế (Phế đế); 12) Kiến Tân đế (Thiếu đế); và 2 vị thời Hậu Trần là: Giản Định đế va Trùng Quang đế.

         Thông thường người ta cho rằng vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) là vua khởi nghiệp của nhà Trần, nhưng vua Thái Tông đã tôn xưng cha mình (Trần Thừa) là Thái Tổ, và sử sách cũng ghi nhận, người thực sự điều hành triều chính nhà Trần khi vua Trần Thái Tông còn nhỏ tuổi chính là Thái Tổ Trần Thừa. Do vậy, Thái Miếu nhà Trần tại Đông Triều, Thái tổ Trần Thừa được thờ với tư cách là người khởi nghiệp của nhà Trần và đặt ở vị trí chính trung, các vua khác theo quy tắc tả chiêu, hữu mục mà sắp đặt. Tất cả các vị vua đều được thờ tự theo hình thức bài vị đặt trên ngai.

         Để tỏ rõ nguồn phúc lâu dài tích lũy gây dựng mới có cơ nghiệp đế vương, các vị tổ: 1) Mục tổ hoàng đế Trần Kinh; 2) Ninh tổ hoàng đế Trần Hấp và 3) Nguyên tổ hoàng đế Trần Lý được phối thờ ở phía sau, long vị bày cao hơn, riêng biệt so với các hoàng đế chính thức, và không đặt trên ngai.

         - Hoành phi ở gian chính giữa của Hậu cung: Bức thứ nhất từ ngoài vào là: Văn võ thánh thần (文武聖神), nghĩa là: Văn võ như thánh, như thần. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, triều Trần là một triều đại đất nước phát triển không chỉ thể hiện ở những chiến công hiển hách như ba lần kháng chiến chống Nguyên Mông thắng lợi mà văn trị cũng đạt đến thịnh trị, do vậy hoành phi này nhằm ca ngợi võ công và văn trị của nhà Trần; bức hoành phi thứ hai, phía sau bức Văn võ thánh thần là bức Ô chiêu vu thiên (於昭于天), nghĩa là: Ôi, rạng rỡ trên trời. Đây là một câu trích trong bài thơ Văn Vương của sách Kinh thi, là một trong năm bộ sách kinh điển (ngũ kinh) của Nho gia. Bài thơ Văn vương thường được dùng làm văn tế thiên tử (tức là vua) trong thái miếu. Bức thứ ba, trong cùng, treo phía trên Long ngai các vị: Mục tổ Trần Kinh; Ninh tổ Trần Hấp và Nguyên tổ Trần Lý là: Kiến đốc cơ cần (建篤基勤), nghĩa là: Nhiều đời tổ tiên gây dựng mới có cơ nghiệp của đế vương.

         - Hoành phi gian bên trái (theo hướng đền): Hoành phí thứ nhất là: Nguy hồ thành công (巍乎成功), có nghĩa là: Thành công vời vợi thay!; Hoành phi thứ hai là: Vạn thế vĩnh lại (萬世永賴), nghĩa là: muôn đời mãi được nhờ.

         - Hoành phi gian bên phải (theo hướng đền): Bức thứ nhất là: Chiêu tai tự phục (昭哉嗣服), nghĩa là: Nối ngôi, kế nghiệp rạng rỡ thay!; Hoành phi thứ hai là: Thứ tích hàm hi (庶績咸熙), nghĩa là: công nghiệp đều rạng rõ.

         Ngoài ra các câu đối trong hậu cung cũng nhằm ca ngợi công tích của vương triều Trần: Câu thứ nhất, treo ở hàng phía trước ở gian chính giữa là: Trắc giáng tại thiên, công đức vạn niên long thánh tộ; Túc ung ư miếu, chưng thường tứ tự thỏa tinh linh (陟降在天功德萬年隆聖祚; 肅雝於廟蒸嘗四 序妥精靈), có nghĩa là: Lên xuống trên trời, công đức muôn năm, dòng thánh thịnh; Nghiêm trang trong miếu, bốn mùa hương khói, thỏa tinh linh. Câu thứ hai, treo ở hai cột phía sau của gian giữa là: Kiến đốc cơ cần, dục khánh chung linh minh đức viễn; Cao minh du cửu, thụ thiên ngưng mệnh đế đồ xương (建篤基勤毓慶鍾靈明德遠; 高明悠久受天凝命帝圖昌), có nghĩa là: Bao đời gây dựng nghiệp đế vương, hội tụ phúc lành, đức sáng từ lâu xa lắm; Cao rộng vĩnh hằng cùng trời đất, trời ban mệnh vững, nghiệp vua hưng thịnh cơ đồ.

          Toàn bộ nội thất đồ thờ trong Thái miếu được thiết kế riêng biệt, đảm bảo hoa văn họa tiết thể hiện tính chất hoàng cung và mang tính biểu trưng cao; lựa chọn những hoa văn tiêu biểu của thời Trần làm các đồ án trang trí trên đồ thờ và các đồ nội thất hài hòa với kiến trúc. Nội dung hoành phi, cuốn thư, câu đối ở Thái miếu tuân thủ đúng khuôn phép và cách luật. Chữ dùng phù hợp với đối tượng dành cho Hoàng đế và nơi thờ là Thái miếu, thể hiện tính chính đại, trang nghiêm, điển nhã, cổ kính, đường hoàng, cát tường phúc khánh, mang âm hưởng Nhã - Tụng, dẫn dụng trong các kinh điển liên quan đến đế vương và tông miếu và phản ánh được công đức, sự nghiệp chung của cả triều Trần, một hoàng triều chính thống của quốc gia Đại Việt, nguồn phúc sâu xa và dẫn truyền đến muôn đời con cháu về sau.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Anh

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

 

 

4. AUDIO

3. HÌNH ẢNH

Nghi Môn của Đền Thái (Thái Miếu)

Tiền Đường

Tiền Đường

Tiền Đường

Hậu Cung

4. VIDEO

5. BẢN ĐỒ KHU DI TÍCH