1. Lăng Phụ Sơn - lăng vua Trần Dụ Tông
Lăng Phụ Sơn là lăng của vua Trần Dụ Tông. Vua Trần Dụ Tông sinh năm Bính Tý (1336), tên húy là Hạo, con thứ 10 của vua Trần Minh Tông, năm 1341 vua Trần Hiến Tông mất, ông được chọn lên kế ngôi. Trần Dụ Tông làm vua 28 năm, thọ 34 tuổi. Ông được ghi nhận là người có tư chất thông minh, nhanh nhẹn, học vấn cao minh, phòng bị việc võ, sửa sang việc văn, các người man di thần phục. Chính sự lúc mới lên ngôi cũng khá, từ năm Đại Trị (1358) về sau vua sa vào ăn chơi sa đọa, hoang dâm vô độ, gian thần kéo bè kéo đảng làm rối loạn triều chính, loạn lạc nổi lên khắp nơi, giặc Chiêm Thành nhiều lần đem quân tiến đánh vào tận kinh đô,.. cơ nghiệp nhà Trần từ đây suy yếu.
Ngày 25 tháng 5 năm Kỷ Dậu (1369) vua Trần Dụ Tông băng hà, thọ 34 tuổi; tháng 11 năm 1369 táng vào Phụ lăng.
Bia “Trần triều bi ký” viết “Dụ Tông hoàng đế, mất ngày 25 tháng 5 năm Kỷ Dậu. Táng tại lăng Phụ Xứ, 65 mẫu. Phụ xứ tục gọi là xứ Đồng Mối”.
Sách Đại Nam nhất thống chí chép “lăng Phụ Sơn: lăng Trần Dụ Tông ở chân núi Yên Sinh, tẩm điện và rồng đá vẫn còn”.
Sách Trần Triều thánh tổ các xứ địa đồ cho biết, lăng Phụ Sơn ở xã Đốc Trại, tổng Mễ Sơn, huyện Đông Triều, Phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Năm Minh Mạng thứ 21 (1840) vua Minh Mạng đã cho dựng bia ghi nhớ vị trí lăng tẩm của các vua nhà Trần tại An Sinh, trong đó có Phụ lăng, nội dung của bia được ghi lại trong sách Trần Triều thánh tổ các xứ địa đồ “Minh Mạng nhị thập nhất niên, cửu nguyệt, sơ lục nhật phụng sắc tạo, Dụ Tông hoàng đế lăng”. Nghĩa là: Ngày mồng 6 tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), phụng sắc tạo (bia) lăng hoàng đế Dụ tông. Tấm bia này hiện nay đã mất phần thân, chỉ còn lại phần đế bia.
Theo mô tả và bản vẽ của sách Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ, lăng có 3 cấp nền, cấp trong cùng cao nhất có chiều dài 2 trượng (6,6m); rộng 1 trượng 5 thước (5m), nền ngoài (tức cấp nền 2) dài 6 trượng (19,8m), cao 1 thước. Sân nằm giữa hai cấp nền rộng 1 trượng (3,3m), hai bên tả hữu có hai nền (giống như kiểu Tả Vu, Hữu Vu, kích thước rộng 1 trượng 5 thước (5m) dài 2 trượng 5 thước (8,25m). Xung quanh vòng ngoài có tường bao bằng đá, khoảng cách từ cấp nền 2 đến tường bao là 26 trượng (85,8m), các bậc thềm đều có thành bậc chạm rồng và sấu.
Kết quả khai quật khảo cố học tại lăng Phụ Sơn trong các năm 2012, 2016 đã cho phép suy đoán lăng Phụ Sơn có cấu trúc gồm 3 cấp nền chồng xếp lên nhau hình kim tự tháp. Chính tẩm ở giữa và thuộc cấp nền cao nhất, xung quanh chính tẩm có sân và các kiến trúc kết nối liên hoàn tạo bao quanh lấy Chính Tẩm. Cấu trúc khu tẩm điện của lăng Phụ Sơn giống cấu trúc khu tẩm điện trung tâm của lăng vua Trần Anh Tông. Bên cạnh các dấu vết tẩm điện đã được phát hiện, cách Chính Tẩm 112,2m về phía Nam, khảo cổ học cũng đã phát hiện dấu vết tường bao. Phát hiện này cho phép suy đoán xung quanh lăng Phụ Sơn có tường bao ngăn cách giữa khu lăng với khu bên ngoài. Dấu vết dòng chảy, các khu ruộng trũng hiện còn xung quanh khu lăng chính là dấu vết của hào nước bên ngoài tường bao xung quanh lăng. Với các di tích tường bao, hào nước bao quanh; khu tẩm điện trung tâm cho thấy về cấu trúc tổng thể lăng Phụ Sơn được xây dựng mô phỏng theo cấu trúc đô thành với thành, hào bao quanh tẩm điện trung tâm. Đây là nét khác biệt và độc đáo của lăng Phụ Sơn so với các lăng tẩm các vua Trần khác ở Đông Triều.
Các di vật, đặc biệt là vật liệu kiến trúc và các trang trí kiến trúc tìm được tại đây cho thấy, kiến trúc ở lăng Phụ Sơn được trang trí hết sức đẹp đẽ và tinh xảo. Khảo cổ học đã tìm được những lá đề cân gắn trên ngói mũi sen trang trí hình vũ nữ; những lá đề lệch trang trí hình rồng. Các di vật này cho chúng ta hình dung phần nào về các trang trí trên mái kiến trúc của lăng Phụ Sơn.
Th.S: Nguyễn Văn Anh