Chùa Hồ Thiên

Chùa Hồ Thiên

21/12/2018 | 0
Chùa Hồ Thiên (Trù Phong tự) do Pháp Loa xây dựng năm 1322 trên núi Trù Phong làm nơi các vị cao tăng của Thiền phái Trúc lâm tu học sau khi đã hoàn thành xuất sắc khoá học tại Tự - viện Quỳnh Lâm.

1. GIỚI THIỆU

         Chùa Hồ Thiên nay thuộc địa bàn thôn Phú Ninh, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Chùa có tên chữ là Trù Phong, được xây dựng trên núi Trù Phong, một ngọn núi thuộc dãy Yên Tử, nằm giữa Long Động (tức là chùa Lân) và Ngọa Vân, phía trước là chùa Quỳnh Lâm, trên độ cao từ 500m - 800m so với mực nước biển. Ba mặt: bắc, đông và tây được bao bọc bởi núi cao, phía nam là những đồi đất thấp nhấp nhô, tạo ra hướng nhìn mở rộng ra sông Cầm uốn lượn phía trước, cảnh sắc thật thơ mộng và kỳ vĩ.

         Tương truyền, chùa Hồ Thiên xây dựng dưới thời Trần, vua Trần Nhân Tông khi xuất gia đã từng đến đây dạo chơi. Sách Đại Nam nhất thống chí chép “Chùa Hồ Thiên: ở xã Phú Ninh, huyện Đông Triều dựng từ triều Trần”. Tuy nhiên, sách Tam tổ thực lục; văn bia: Tiên Du sơn đệ nhất Quỳnh Lâm tự bi ký dựng tại chùa Quỳnh Lâm (xã Tràng An, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh cho biết năm Khai Thái thứ tư (1327) Phổ Tuệ Minh giác tôn giả - tổ thứ hai của thiền phái Trúc Lâm là Pháp Loa đã cho mở am Hồ Thiên và am Bác Mã. Bia tháp Viên Thông, tấm bia dựng tại tháp Viên Thông, chùa Thanh Mai (xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh, Hải Dương) được dựng năm thứ 5, niên hiệu Đại Trị (1362), đời vua Trần Dụ Tông thì cho biết: “Năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại Khánh thứ 9 (1322). Sư (tức là Pháp Loa) sáng lập các am Hồ Thiên, Chân Lạc.”. Như vậy, ghi chép của Tam tổ thực lục, văn bia chùa Quỳnh Lâm và đặc biệt là bia tháp Viên Thông đã khẳng định, am Hồ Thiên được Pháp Loa cho xây dựng, thời điểm khởi dựng có chút khác nhau giữa các tư liệu, nhưng ở đây chúng tôi thấy tin vào niên đại trong bia Viên Thông là năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Khánh thứ 9 đời vua Trần Minh Tông (1322) bởi văn bia Viên Thông do Thị giả là Trung Minh biên tập và đích thân đệ tam tổ Huyền Quang khảo đính, do vậy có thể nói khả năng sai sót là rất thấp. Do đó có thể có thể khẳng định rằng Hồ Thiên được Phổ Tuệ tôn giả, tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm khai mở năm 1322. Đồng thời, các tư liệu cũng cho biết thêm am Hồ Thiên và sau này thành chùa Hồ Thiên được xây dựng cùng với am Bác Mã nay là chùa Bác Mã hay còn gọi là chùa Phúc Chí (Phúc Chí tự) xã Bình Dương, thị xã Đông Triều và am Chân Lạc.

         Như đã biết, năm 1317, Pháp Loa bắt đầu cho mở mang và xây dựng chùa Quỳnh Lâm thành một trong những trung tâm đào tạo tăng tài lớn của Thiền phái Trúc Lâm, lúc này Quỳnh Lâm đã trở thành một Tự -Viện lớn và có vai trò quan trọng bậc nhất trong hệ thống Tự - Viện của Thiền phái Trúc Lâm. Do vậy, bên cạnh Quỳnh Lâm, Pháp Loa đã cho dựng một số am khác phục vụ cho việc tu học của các tăng sinh, trong đó Hồ Thiên là am quan trọng. Kết quả điều tra, khảo sát khảo cổ tại Hồ Thiên, đã cung cấp thêm các tư liệu, làm sáng tỏ vị trí, vai trò của chùa am Hồ Thiên trong hệ thống chùa tháp của Trúc Lâm nói chung và hệ thống chùa tháp Trúc Lâm tại Yên Tử nói riêng.

         Dấu vết Hồ Thiên thời Trần chủ yếu nằm dưới lòng đất, các cuộc điều tra tại đây đã tìm thấy khá nhiều di vật thời Trần, các loại hình di vật đã tìm thấy gồm:

         + Gạch: có hai loại gạch bìa và gạch hình chữ nhật, làm bằng chất liệu đất sét loang lổ, lẫn nhiều hạt laterits, xương mịn, màu đỏ tươi, được tạo bằng khuôn và cắt gọt tu chỉnh. Kích thước 38-40x17x4,5cm.

         + Ngói: chủ yếu là loại ngói ống, mặt cắt ngang hình bán nguyệt, dáng thuôn dần về đuôi, thân và đầu liền khối, đuôi được tạo bằng cách cắt bớt độ dày của thân, mặt trên xoa nhẵn, mặt dưới thường có vết cắt dọc thân. Chất liệu đất sét thường, xương mịn và đanh.

         + Cấu kiện tháp: gồm các bộ phận của nhiều tầng khác nhau của tháp như bệ tháp, tường tháp, cấu kiện đấu củng, cột, xà của tháp, vv… Tất cả các hiện vật này đều được tìm thấy trong khu vực nền và xung quanh nền tháp số 1, là tòa tháp nằm trên trục chính phía sau Tam Bảo. Một số mảnh bệ tháp có trang trí văn sóng nước, cánh sen. Đáng lưu ý là mảnh tường tháp được trang trí hình rồng cuộn tròn, hình hoa cúc dây hay những mảnh tháp tạo giả các đấu củng và trang trí các lá đề, trong lòng lá đề có đôi rồng vờn cầu lửa,... Đó là những họa tiết tiêu biểu được trang trí trên những tháp đất nung thời Trần. Đặc biệt, các bộ phận góc tường, góc bệ tháp tìm được ở đây đều cho thấy các mặt tháp khớp nối với nhau tạo thành một góc tù, chứ không phải là góc vuông. Điều đó có nghĩa là ngôi tháp này không phải là tháp 4 mặt như các tháp từng thấy mà có thể đây là loại tháp có 6 mặt (tháp hình lục lăng). Cấu trúc này giống với tháp chứa xá lỵ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông do Pháp Loa xây dựng tại chùa Quỳnh Lâm. Như vậy, khi xây mở am Hồ Thiên Pháp Loa đã cho dựng một bảo tháp tại chùa Hồ Thiên. Bia Trùng tu chùa Trù Phong dựng năm Vĩnh Hựu thứ hai đời vua Lê Ý Tông (1736) cho biết “Chỉ có nhà Trần xưa vốn tôn sùng đạo Phật, từng mở núi san nền nơi đây, xây tam cấp dựng bảo tháp năm tầng“. Như vậy với việc tìm thấy các kết cấu tháp bằng đất nung ở đây, ghi chép của văn bia cho chúng ta biết, Pháp Loa đã cho xây dựng một tòa tháp lục giác 5 tầng tại Hồ Thiên.

         Các di vật thời Trần tìm được tại đây một mặt khẳng định chùa Hồ Thiên được xây dựng dưới thời Trần như ghi chép của sử liệu, mặt khác cho thấy tại đây dưới thời Trần đã xây dựng một tòa tháp đất nung có mặt bằng hình lục giác hoặc bát giác. Kết quả điều tra khảo cổ học cũng xác định dưới thời Trần, ngoài chùa, vườn tháp và nhà bia, Hồ Thiên còn có khu tịnh thất lớn được xây dựng trên núi cao phía sau chùa, trong đó ở vị trí cao nhất là am Hàm Long. Tương truyền dưới thời Trần, các vị cao tăng sau khi hoàn thành suất sắc khóa học tại Quỳnh Lâm viện sẽ được chuyển về Hồ Thiên để tiếp tục tu học, mỗi mái đá là nơi tu học của một vị.

         Dấu tích còn lại tại Hồ Thiên hiện nay chủ yếu là các công trình được xây dựng dưới thời Lê trung hưng. Theo các nguồn sử liệu, dưới thời Lê trung hưng, cùng với các chùa Quỳnh Lâm, Vĩnh Nghiêm, chùa Hồ Thiên được triều đình nhà Lê cho đại trùng tu, tôn tạo vào các năm Vĩnh Thịnh (1705-1719), Vĩnh Khánh (1726-1732), Vĩnh Hựu (1735-1740).

         Chùa Hồ Thiên chưa được khai quật khảo cổ học, song kết quả điều tra, khảo sát khảo cổ tại đây cho thấy các di tích hiện còn và các vết tích kiến trúc hiện còn trên mặt đất cơ bản được xây dựng và trùng tu dưới thời Vĩnh Hựu. Trong lần đại trùng tu này, các công trình đã được xây mới gồm: Chùa chính, Nhà tăng, Nhà tổ, Vườn tháp và Nhà bia.

         - Khu chùa chính:

Khu chùa chính

 

        Chùa chính được xây dựng trên khu vực có mặt bằng rộng, ở độ cao 580m so với mực nước biển. Trong đó riêng khu vực chùa chính được xây dựng trên khu vực có diện tích mặt bằng khoảng hơn 700m2.

         Chùa được xây dựng trên trục chính bắc - nam, mặt nhìn về hướng Nam, phía Bắc dựa trực tiếp vào sườn núi. Ba mặt phía Nam, Đông và Tây được kè xếp đá bó nền và tạo mặt bằng rộng rãi để xây dựng công trình. Đá kè xếp là loại đá cuội suối và đá cát kết (đá gạo) khai thác tại chỗ và xếp thành 8 cấp hình thang rất kiên cố, được kè từ dưới chân sườn núi lên, cấp nền trên xếp cao hơn cấp nền dưới trung bình từ 120cm - 150cm, giật lại trung bình 150cm -180cm tuỳ vào từng cấp.

         Kết quả nghiên cứu khảo cổ học đã xác định mặt bằng tổng thể nền móng kiến trúc cho thấy chùa Hồ Thiên thời Lê Trung hưng. Chùa có mặt bằng hình chữ Công (), cấu trúc gồm 3 công trình kết nối nhau: Tiền Đường, Thiêu Hương và Thượng Điện.

         + Tiền Đường: nằm ở phía trước, có mặt bằng hình chữ nhật, diện tích rộng 202,5m2 (chiều dài Đông - Tây 22,5m, rộng Bắc - Nam 9m), kết cấu 5 gian, 6 hàng cột, gian gữa rộng 4,4m, các gian hai bên rộng 3,9m. Khoảng cách giữa cột cái và cột quân trung bình 2,1m, giữa các cột cái trong một vì là 2,9m.

         Trên mặt nền còn lại hệ thống tảng đá kê chân cột, đá bó thềm và đá kê xà dưới. Chân tảng hiện còn 18 chiếc, được tạo bằng đá xanh, có đế hình vuông, u tròn nổi cao hơn so với mặt đế trung bình 10 - 12cm, xung quanh u tròn có trang trí cánh sen nổi.

 

Chân tảng và đs kê xà dưới

 

         Tảng kê chân cột ở đây có hai kích cỡ chính: (1) Loại có kích cỡ lớn là các tảng kê của cột cái, kích thước đế trung bình 114cm x 114cm; đường kính u tròn 67cm - 70cm, xung quanh u tròn trang trí 12 cánh sen chính và 12 cánh phụ, dáng to, đầu nhọn, thân cánh lượn từ chân u tròn xuống mặt đế, mũi sen hơi hất cao tạo cho cánh sen có độ thanh thoát; (2) Loại có kích cỡ nhỏ là các tảng kê của cột quân, loại này có kích thước phần đế rộng trung bình 76cm - 80cm, đường kính u tròn trung bình 54cm - 56cm, xung quanh có trang trí cánh sen, số lượng cánh sen tuỳ thuộc vào vị trí của tảng kê.

         Đá kê xà kết nối với các chân tảng đá kê cột thường là các khối đá hình chữ nhật, có chất liệu giống như đá làm chân tảng, các cạnh trên được đẽo gọt thành các phào chỉ hình tròn khá cẩn thận và độ rộng mặt trên của các khối đá này tương đối đều nhau, có kích thước từ 18cm đến 20cm.

         + Thiêu Hương: nằm ở giữa nhà Tiền Đường và Thượng Điện, có mặt bằng hình chữ nhật, diện tích rộng 147m2 (dài đông - tây 14,7m, rộng bắc - nam 10m).

         Hiện nay, về dấu tích nền móng kiến trúc nhà Thiêu Hương đã có sự thay đổi so với cấu trúc mặt bằng tổng thể chung của loại hình kiến trúc hình chữ công ban đầu. Bởi vì, theo cấu trúc tổng thể này thì nhà Thiêu Hương thường chỉ có 3 gian và qui mô của các gian tương tự như nhà Tiền Đường và Thượng Điện. Nhưng hiện nay, hệ thống chân tảng khu vực này đã có sự xê dịch so với ban đầu. Phủ lên trên khu vực Thiêu Hương và một phần phía Bắc của Tiền Đường là một lớp nền khác, lớp  nền này có cấu trúc 5 gian, diện tích 93,5m2 (dài bắc - nam  12,7m, rộng đông - tây 7,36m), kết cấu 6 hàng cột, mỗi hàng có 4 cột và khoảng cách bước gian là 250cm, khoảng cách cột cái và cột quân 146cm, khoảng cách giữa các cột cái trong một vì là 210cm. Toàn bộ kết cấu đá bó nền được tháo rỡ từ bó nền Đông và Tây của Thiêu Hương, các chân tảng được rỡ từ khu vực Thiêu hương và một số được lấy từ khu vực Tiền Đường. Qua nghiên cứu địa tầng và mối quan hệ giữa hai lớp nền đã cho thấy rõ lớp kiến trúc bên trên của khu vực Thiêu Hương cao hơn so với mặt bằng tổng thể chữ công ở dưới khoảng 40cm, một phần của cấu trúc nền phía trên phủ lên hệ thống cống thoát nước nằm giữa Tiền Đường và Thiêu Hương cho thấy rõ tính chất sớm muộn của hai lớp nền này.

         Nói cách khác, riêng khu vực Thiêu Hương đã có sự tu bổ tôn tạo lại vào giai đoạn sau và kết cấu của nó đã thay đổi so với ban đầu. Đây là giai đoạn mà nhà Tiền Đường không còn được sử dụng nữa, vì một phần của công trình này ở phía Nam đã nằm chồng đè lên nền cũ của Tiền Đường. Dựa vào cấu trúc còn lại của khu tiền đường có thể phục dựng lại mặt bằng của Thiêu Hương có mặt bằng 146m2, kết cấu 3 gian, 4 hàng cột, mỗi hàng 4 cột, khoảng rộng của mỗi gian là 2,65m, khoảng cách giữa hai cột cái trong một hàng là 4,40m, giữa cột cái và cột quân là 1,80m.

         + Thượng Điện: phía Bắc dựa trực tiếp vào sườn vách núi đá, có mặt bằng hình chữ nhật, diện tích rộng 202,5m2 (dài đông - tây 22,5m, rộng bắc - nam 9m) tương tự như tòa Tiền Đường và cũng có kết cấu 5 gian, 6 hàng cột, mỗi hàng có 4 cột. Khoảng cách gian giữa rộng nhất là 440cm, các gian hai bên rộng 390cm, khoảng cách cột cái và cột quân 170cm, khoảng cách giữa các cột cái trong cùng một vì là 310cm.

         Toàn bộ phần bó nền, kê xà dưới và hệ thống tảng kê chân cột của Thượng Điện còn tương đối đầy đủ và nguyên vẹn. Cũng giống như khu vực Tiền Đường, các tảng kê chân cột ở đây gồm hai loại: (1) Loại có kích thước lớn được dùng kê chân của các cột cái, loại này có kích thước trung bình phần đế vuông 94cm - 96cm, đường kính u tròn 62cm - 64cm (nhỏ hơn Tiền Đường), xung quanh u tròn trang trí 14 cánh sen, xen giữa các cánh sen chính có các cánh sen phụ; (2) Loại thứ hai có kích thước nhỏ hơn, dùng kê chân các cột quân, loại này có kích thước, hình dáng và trang trí giống như tảng kê chân cột quân ở Tiền Đường (kích thước đế vuông 76cm - 80cm, đường kính u tròn trung bình 54cm - 56cm).

         Phía sau Thượng Điện là vách đá được hình thành do việc san bạt núi tạo mặt bằng, ở phần trên của vách đá hiện còn hệ thống máng thoát nước được tạo hoàn toàn bằng đá xanh, lòng máng hình bán nguyệt, sâu trung bình 8cm. Máng này có chức năng đón nước từ mái phía Bắc của Thượng Điện và dẫn đổ nước xuống phía dưới (phía Nam). Nhưng có một giai đoạn, vào khoảng thời Nguyễn, người ta đã xây dựng hệ thống tường gạch bao quanh 3 mặt của kiến trúc ở phía Bắc (tường sau) và hai đầu hồi ở phía Đông và phía Tây như kiểu đầu hồi bít đốc. Trong đó, bức tường phía Bắc xây đè lên hệ thống máng thoát nước bằng đá của thời Lê.
         Ngoài hệ thống thoát nước ở phía Bắc nói trên, ở giữa Thiêu Hương và Tiền Đường; Thiêu Hương và Thượng Điện cũng đều có hệ thống cống thoát nước mà thành cống chính là bó thềm ở 2 mặt Bắc, Nam của Thiêu Hương và các bó thềm tiếp giáp của Tiền Đường và Thượng Điện. Điều này cho thấy mặt bằng tổng thể hình chữ công của kiến trúc chùa Hồ Thiên xưa được xếp bởi 3 khối kiến trúc liền kề nhau, mái các kiến trúc liên kết với nhau.

     - Khu vườn tháp:

         Khu vườn tháp nằm trên sườn núi cao ở phía sau, tức là phía Bắc của chùa. Tại khu vực này hiện có dấu vết của 6 ngôi tháp, trong đó có một tháp còn tương đối nguyên vẹn, một tháp đã bị đổ mới được dựng lại, số còn lại đều đã bị sập.

 

Khu vườn tháp

 

         + Tháp đá: Có 2 ngôi có ký hiệu là tháp số 1 và tháp số 6.

         Tháp số 1: nằm chính giữa phía sau của chùa, Tháp đã bị đổ hoàn toàn, chỉ còn lại phần móng, nền tháp được tôn cao có hình vuông rộng 5 x 5m. Móng tháp hình vuông, kích thước 2,39m x 2,39m, được ghép bằng các khối đá cát kết có nguồn gốc tại chỗ (đá gạo). Theo nhà sư chủ trì chùa hiện nay thì tấm bia đá xanh đang dựng trước chùa vốn được tìm thấy tại khu tháp này. Dựa vào minh văn ghi trên bia này cho biết đây là tháp Ma-ha-sa môn của Thiền sư Thích Quảng Hữu, hiệu là Hoà Bình, tự là Tâm Quế.

         Điểm đặc biệt nữa là trong khu vực nền tháp số 1 này các nhà khảo cổ học đã tìm được rất nhiều mảnh tháp bằng đất nung có trang trí hình rồng, hoa cúc và văn sóng nước thời Trần. Tư liệu này là bằng chứng cho biết chắc chắn rằng, vào thời Trần đã từng có những tháp đất nung được dựng ở khu vườn tháp. Điều này cũng có nghĩa rằng, khu vườn tháp thời Lê được dựng ngay chính trên nền cũ của khu vườn tháp thời Trần.

 

Tháp số 6

          Tháp số 6:  nằm ở vị trí cao nhất trong khu vườn tháp. Toà tháp này đã bị sập đổ vào năm 2000 và được trùng tu năm 2009. Các cấu kiện của tháp được tạo hoàn toàn bằng đá xanh, kết nối với nhau bằng các mộng hợp kim hình chữ công. Tháp có 7 tầng, cao khoảng 8,6m (cả chóp), xung quanh mỗi tầng đều mở 4 cửa vòm thông nhau trông ra 4 hướng. Diềm mái tầng một được chạm nổi hai tầng cánh sen, mái các tầng trên được thu dần lại và không có trang trí. Mái của các tầng tháp hơi lượn cong, góc mái hất lên tạo thành hình đao góc, phía dưới của đao góc từ tầng thứ 3 trở lên có các vòng dây đồng làm chỗ treo chuông gió (linh phong), chóp tháp là bình cam lộ hình tứ giác.

         Đáng lưu ý là chính giữa lòng bệ tháp đặt một bệ đá khối hình vuông (kích thước 70cm x 70cm), xung quanh thân chạm nổi ba lớp cánh sen, bên trong cánh sen chạm văn mây hình khánh. Trên mặt bệ ở chính giữa chạm nổi bát quái, xung quanh chạm nổi vân mây xen kẽ là 28 chấm tròn tượng trưng cho 28 ngôi sao. Đây là một hiện tượng rất đáng lưu ý, bát quái là hình tượng biểu trưng của Đạo giáo nhưng lại được chạm khắc trên tháp của Phật giáo. Hiện tượng này chúng ta còn bắt gặp trên một số tháp khác ở chùa Quỳnh Lâm. Hình tượng bát quái và hai mươi tám ngôi sao (nhị thập bát tú) là biểu trưng của Đạo giáo xuất hiện trong tháp Phật giáo đã phản ánh sự hòa quyện các yếu tố Đạo giáo trong Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII.

           Cấu trúc cũng như hoa văn trên bệ tháp, đặc biệt là hoa văn trang trí trên bệ sen đặt trong lòng bệ tháp, cho thấy nó có những nét tương đồng với hệ thống tháp được xây dựng ở chùa Quỳnh Lâm giai đoạn thế kỷ XVIII. Đáng lưu ý là hoạ tiết hoa văn trang trí trên mái tầng trên cùng của tháp giống hệt hoạ tiết trang trí trên phần lọng của tấm bia Trùng tu Trù Phong bi ký được dựng vào năm Vĩnh Hựu thứ hai đời vua Lê Ý Tông (1736). Đây là bằng chứng cho thấy toà tháp này được xây dựng vào đợt trùng tu lần thứ hai của thời Lê trung hưng (năm Vĩnh Hựu) cùng với các công trình khác như nhà bia, bia đá trong Lịch triều hiến chương loại chí đã ghi chép.

 

Tháp đá kết hợp gạch

 

           + Tháp đá kết hợp gạch: Có 4 tháp, ký hiệu từ tháp số 2 đến tháp số 5. Đặc điểm chung của loại tháp này là đá được dùng làm phần móng và bệ tháp, thân và mái được xây xếp hoàn toàn bằng các loại gạch, trong đó chủ yếu là gạch hình chữ nhật. Trong số 4 tháp này chỉ còn lại tháp số 3 là còn tương đối nguyên vẹn, các tháp khác đều đã bị sập đổ, thậm chí tháp số 2 đã bị đào xới không thể nhận diện được mặt bằng nền của tháp.

         Loại hình tháp đá kết hợp gạch thường có chung một kết cấu: Bệ tháp hình vuông, có kích thước 1,87m x 1,87m x 0,79m, được ghép bằng các khối đá xanh, tầng trên của bệ tháp là đài sen; Thân tháp hình vuông, rộng 1,52m, cao 2,4m, được xây bằng gạch các loại cùng vôi vữa, bốn mặt mở 4 cửa giả hình vòm, cửa rộng 0,53m, cao 0,93m; Phần mái và thu mái của tháp được xây bằng gạch Bát Tràng hình vuông (30x30x4cm), chóp tháp hình tròn.

         Kết cấu, vật liệu xây dựng và hoa văn trang trí trên các tháp này cho thấy rõ nó đã được trùng tu vào khoảng thời Nguyễn. Bằng chứng cho nhận định này được dựa vào kỹ thuật xây bằng vôi vữa và loại gạch Bát Tràng xây ở phần mái tháp. Trong khi đó, phần bệ tháp được xếp bằng các khối đá xanh, các cấu kiện này kết nối với nhau bằng các mộng hợp kim giống như ở tháp số 6. Hoạ tiết cánh sen cũng hoàn toàn tương đồng như hoạ tiết cánh sen trang trí trên bệ sen của tháp số 6. Tất cả những yếu tố này cho thấy các tháp đá kết hợp gạch ở đây vốn được xây dựng từ thời Lê trung hưng, có thể cùng thời với tháp số 6. Đến cuối thế kỷ XIX, các tháp này đã được trùng tu xây dựng lại toàn bộ phần thân.

      - Khu nhà tăng

         Nhà tăng là nơi dành cho những người tu hành (nhà chùa) và phật tử sống, sinh hoạt và tu học. Nhà tăng nằm trong khu vực có diện tích rộng khoảng 400m2, ở phía Đông của chùa, trên một khu đất tương đối bằng phẳng và thấp hơn nền chùa khoảng 1,5m. Nhà nhìn về hướng Nam, lưng dựa vào núi ở phía Bắc. Chạy ngang qua phía trước là đường đi vào khu chùa chính đã nói ở phần trên.

         Khu vực nhà tăng còn lại dấu vết một mặt bằng kiến trúc hình chữ nhật có diện tích hơn 108m2 (dài đông - tây 14,3m, rộng bắc - nam 7,6m). Ba mặt Bắc, Đông và Tây được kè xếp bằng đá cát kết (đá gạo), mặt phía Nam được xếp bằng các khối đá xanh được tu chỉnh cẩn thận. Kết cấu bó nền phía Nam gồm 2 hàng, hàng trên giật lại so với hàng dưới khoảng 30cm. Nền cao hơn sân trước khoảng 60cm, bề mặt của nền đã bị xáo trộn do hoạt động canh tác của nhà chùa. Các chân tảng kê cột cơ bản đã bị di dời khỏi vị trí và được tái sử dụng cho ngôi chùa hiện tại. Nhưng dựa vào những chân tảng còn lại cho thấy, chân tảng ở đây thuộc loại nhỏ, có hình bát giác, 4 cạnh lớn, 4 cạnh nhỏ, không có u tròn và được làm từ đá cát khai thác tại chỗ, có hai kích cỡ: cỡ lớn 34 x 34cm, cỡ nhỏ 20 x 20cm.

         Tại khu sân vườn phía trước còn lại một thống đá hình trụ tròn cao toàn thân 67cm, có đường kính miệng: 77cm và lòng sâu 60cm. Thống này là một dụng cụ khá phổ biến của các chùa lớn thế kỷ XVIII, nó được sử dụng làm dụng cụ giã và ngâm tương.

- Khu nhà tổ

Tượng Trúc Lâm tam tổ

 

         Khu vực nhà tổ nằm ở phía Bắc nhà tăng, cao hơn nhà tăng khoảng 6m và nằm tiếp nối với khu vườn tháp ở phía Đông. Khu vực này có diện tích gần 180m2, còn lại dấu tích một mặt bằng kiến trúc hình chữ nhật có diện tích khoảng 130m2 (dài đông - tây 16,6m, rộng bắc - nam 8,2m). Bốn mặt nền được kè xếp bằng đá cát kết và cuội. Bề mặt nền cũng bị xáo trộn do hoạt động canh tác của nhà chùa. Các chân tảng của công trình phần lớn cũng đã bị di dời khỏi vị trí cũ. Chân tảng là kiểu bệ vuông, u tròn nổi cao, không trang trí, được làm từ đá xanh giống như chất liệu đá làm tảng kê ở khu vực chùa chính. Chân tảng ở đây có hai kích cỡ: cỡ lớn có kích thước: bệ vuông 42 x 42cm, đường kính u tròn 32 - 33cm; cỡ nhỏ: bệ vuông 36 x 36cm, đường kính u tròn 26cm.

         Ngoài dấu tích kiến trúc, trong khu vực này cũng tìm thấy khá nhiều loại ngói mũi sen thời Lê trung hưng. Ngói mũi sen có mũi thấp, hai cánh mũi mở rộng, không có móc gài, chất liệu đất sét thường, màu đỏ nâu, xương hơi xốp nhưng khá đanh.

Tại khu vực này đã tìm thấy hai pho tượng bằng đá, tượng được tạo từ đá nguyên khối, tượng gồm hai phần: thân tượng và bệ tượng, cụ thể như sau:

         (a) Pho thứ nhất: được tạc theo tư thế toạ thiền trên đài sen, khoác áo cà sa, dải áo phần ngang ngực có đính một khuy cài hình nơ - một đặc trưng của phái Trúc Lâm, tay trái cầm tràng hạt, hai bàn tay úp lên nhau, úp vào lòng, giữa ngực có chữ vạn. Tượng đã bị mất phần đầu và phần bệ sen, kích thước hiện còn của tượng: cao: 32cm, rộng vai 23cm, rộng phần đầu gối 34cm.

          (b) Pho thứ hai: được tạc theo tư thế toạ thiền, hai bàn tay đan vào nhau, lòng bàn tay ngửa lên. Tượng bị mất phần đầu, tay trái và ngực bị vỡ một mảng.

         Các hoạ tiết về trang phục và tư thế toạ thiền cho thấy hai pho tượng này là một trong 3 pho tượng Tam tổ Trúc Lâm mà theo đó pho thứ 2 chính là tượng đệ nhất tổ Trần Nhân Tông. Căn cứ vào các hoạ tiết hoa văn cho thấy hai pho tượng có niên đại vào khoảng thế kỷ XVIII.

         Những tính chất về địa hình, đặc trưng di tích di vật và các pho tượng được tìm thấy ở đây cho phép chúng ta khẳng định đây là khu vực nhà tổ, nơi thờ tam tổ Trúc Lâm (Điều Ngự Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang).

         - Khu nhà bia

Nhà bia và Bia Trùng tu Trù Phong Tự

 

         Khu Nhà bia cách khu vực Trung tâm khoảng 150m về phía Đông, từ năm 2005 đến năm 2010 là khu chùa chính và khu sinh hoạt của nhà chùa. Tại khu vực này việc cải tạo xây dựng mới đã làm biến dạng diện mạo ban đầu.

         Nhà bia đều làm bằng đá xanh, có mặt bằng hình chữ nhật, diện tích mặt bằng 9,73m2 (dài Đông - Tây 3,30m; rộng Bắc Nam 2,95m), Cao 1,97m. Nhà được ghép bằng các khối đá lớn, mái cũng được lợp bằng những tấm đá, mỗi viên ngói nặng trung bình từ 80 - 90kg; Tường sau được ghép bằng 6 tấm đá, mỗi tấm cao 1,97m, rộng 0,55m; đáng chú ý trên mỗi tấm đá ghép tường phía sau đều khắc nổi một chữ Phạn trong khung hình chữ thập, nội dung của 6 chữ Phạn này là một câu thần chú của Mật Tông được gọi là “Chú lục tự đại minh“, âm đọc của nó là OMANI PADME HUM. Việc xuất hiện câu thần chú của Mật Tông ở nhà bia và bệ hoa sen khắc bát quái cùng 28 vì sao đã cho thấy tính hòa quyện tông phái và yếu tố giao thoa của Phật giáo với Đạo giáo và Nho giáo thế kỷ XVIII, đồng thời cũng cho thấy tính nhập thế và tính thích ứng của Thiền tông Trúc Lâm.

         Hai đầu hồi mở hai cửa sổ, trên hai cửa khắc hai chữ Hán, cửa phía Đông có hai chữ Nhật Tuệ tức là trí tuệ sáng tựa mặt trời; cửa phía Tây có có hai chữ Thiền Song, tức là cửa Thiền.

         Hai trụ phía mặt trước có khắc nổi đôi câu đối bằng chữ Hán, chữ chân, chắc khỏe. Nội dung hai câu đối

         - Thuỵ hiện Nam thiên vạn tải âm quang phổ chiếu

         - Pháp truyền Đông thổ thiên thu đạo đức trường minh

(Phật hiệu trời Nam muôn thưở an quang phổ chiếu Pháp truyền đất Đông ngàn năm đạo đức sáng ngời)

         Chính giữa nhà bia là một tấm bia lớn có tên Trùng tu Trù Phong tự bi ký  tức là bia Trùng tu chùa Trù Phong, bia được dựng vào ngày tốt tháng 3 năm Vĩnh Hựu thứ hai đời vua Lê Ý Tông (1736). Bia cao 2,76m, gồm phần bia và đế bia. Đế bia hình chữ nhật, cao 0,40m, dài 1,98m, rộng 1,40m, tổng trọng lượng khoảng 4 tấn. Bốn mặt chạm nổi đôi lân vờn cầu lửa và văn cánh sen cách điệu. Bia hình hộp chữ nhật dẹt, cao 2,36m, dày 0,42m, gồm hai phần thân và mái bia. Mái bia được tạo giống như mái của long đình, các mặt đều trang trí văn mây hình khánh (kiểu văn như ý) giống như trên mái tháp đá số 6. Bốn mặt thân bia cũng đều được trang trí dày đặc hoa văn ở các diềm, chủ đạo là hình rồng mây, văn dây lá uốn lượn với đường nét chạm khắc theo kỹ thuật bong kênh rất tinh xảo, có tính nghệ thuật cao. Mặt trước bia khắc minh văn cho biết rõ chùa Hồ Thiên được khởi dựng từ thời Trần và được trùng tu vào năm Vĩnh Hựu thứ hai (1736). Hai bên cạnh thân bia khắc nổi đôi câu đối, mỗi vế đối gồm 12 chữ:

         - Tượng giáo Xiển dương hương vũ liên cung tường hữu định

         - Hồng cơ củng cố Thái Sơn bàn thạch điện vô cương

(Phật giáo sáng tỏ chùa phép toà sen thêm đẹp Nghiệp lớn vững chắc thái sơn bàn thạch thật vững vàng)

         Với các di tích hiện còn có thể xác định từ thời Lê khu vực này là khu vực nhà bia, đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX khi chùa chính đã bị sập đổ, người ta cho mở rộng nền về phía Nam và xây một ngôi nhà làm nơi thờ Phật, đẩy nhà Bia về phía sau. Khoảng những năm 2000, nhà bia bị sập đổ, năm 2009 nhà bia đã được trùng tu và khôi phục lại.

- Khu Tịnh thất

Khu Tịnh thất

 

         Tịnh thất là nơi tọa thiền của các nhà sư, ở Hồ Thiên tịnh thất là nơi giành riêng cho các vị cao tăng luyện thiền. Khu tịnh thất phân bố ở ngọn núi phía sau chùa, thời Lê trung hưng các tịnh thất này vẫn tiếp tục được sử dụng làm nơi tu thiền. Hiện đã phát hiện có 3 thất (am), trong đó tịnh thất Hàm Long nằm ở vị trí cao nhất và cũng là tịnh thất có quy mô lớn nhất.

         Tịnh thất Hàm Long nằm ở độ cao khoảng 700m so với mặt nước biển, được xây dựng trên một khoảng không gian bằng phẳng có diện tích chừng 100m2 dưới chân vách đá thẳng đứng của đỉnh núi Trù Phong. Tại đây còn tìm thấy hệ thống chân tảng, đá kè nền và rất nhiều ngói sen thời Lê trung hưng. Nhà sư Thích Đạt Ma Chí Thông đã cho cải tạo lại khu vực này và dựng một lều nhỏ để tọa thiền.

         Bên cạnh đó ở đây còn hai tịnh thất nhỏ, các tịnh thất này là những mái đá, dưới mái đá có đặt một tảng đá hình chữ nhật kích thước trung bình 60 - 80cm x 80 - 100cm. Tảng đá này là nơi tọa thiền. Hiện nay, nhà sư trụ trì ở đây còn sử dụng một trong hai mái đá này làm nơi tu luyện của mình.

          Việc phát hiện các mái đá được sử dụng như những tịnh thất ở đây là những tài liệu khoa học giúp giải mã hoặc làm sáng tỏ kiểu chùa một mái ở Yên Tử. Theo đó, tiền thân của các chùa một mái ở Yên Tử chính là những mái đá được sử dụng làm tịnh thất vốn là nơi tu thiền của các Thiền sư sau đó biến đổi thành nơi thờ tự như chúng ta thấy hiện nay. Khi chuyển đổi từ tịnh thất (nơi thường dành cho một người tu Thiền) thành nơi thờ tự (có các hoạt động hành lễ) thì nhu cầu không gian mở rộng hơn. Để đáp ứng yêu cầu này người ta nới rộng nền và lợp thêm mái, đó chính là lý do xuất hiện kiểu chùa một mái như chùa Một mái phía sau chùa Hoa Yên ở Yên Tử. 

         Việc xuất hiện khu tịnh am ở Hồ Thiên là những bằng chứng để khẳng định lời tương truyền Hồ Thiên là nơi đào tạo các vị cao tăng. Nếu như Quỳnh Lâm giữ vai trò là trung tâm đào tạo tăng tài của Thiền phái Trúc Lâm thì Hồ Thiên chính là nơi đào tạo các vị cao tăng sau khi đã hoàn thành các khóa học tại Học viện Quỳnh Lâm.

         Dưới thời Nguyễn, đa phần các công trình xây dựng dưới thời Lê vẫn còn được duy trì sử dụng, một số công trình bị sập đổ đã được xây dựng lại với quy mô nhỏ hơn. Các di tích còn lại là bằng chứng cho thấy đến thời Nguyễn, Hồ Thiên vẫn là một trung tâm lớn của Trúc Lâm và là quần thể kiến trúc chùa tháp lớn ở xứ Đông./.

Th.S: Nguyễn Văn Anh

4. AUDIO

3. HÌNH ẢNH

Bảo tháp 7 tầng tại chùa Hồ Thiên

Nhà bia tại chùa Hồ Thiên

Bia đá cổ tại chùa Hồ Thiên

Bảo tháp tại chùa Hồ Thiên

4. VIDEO

5. BẢN ĐỒ KHU DI TÍCH