Trần Duệ Tông (1337 - 1377) là vị vua thứ 9 của nhà Trần, tên húy là Trần Kính, con thứ 11 của Thượng hoàng Trần Minh Tông, là em của 03 vị vua Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông và Trần Nghệ Tông. Ông sinh ngày 02/6 năm Đinh Sửu (1337), năm 1372 được vua Trần Nghệ Tông nhường ngôi, vua ở ngôi 4 năm, ngày 24/01 năm Đinh Tỵ (1377) tử trận tại thành Đồ Bàn (Bình Định), thọ 41 tuổi.
Vua Trần Duệ Tông có cá tính mạnh mẽ, mang hoài bão trấn hưng quốc gia. Năm 1372, sau khi được vua Trần Nghệ Tông nhường ngôi, ông để tâm lo toan việc trị nước, kén tướng luyện quân, đặt khoa thi, lấy người tài, chú trọng đề cao ý thức dân tộc, tự lập, tự cường. Ông lệnh cho quân, dân không được mặc áo kiểu người phương Bắc, không bắt chước tiếng nói của các nước phiên man, quy định về mẫu mã các loại thuyền, xe, kiệu, tán, nghi, trượng và y phục.
Tuy nhiên, vì quá nôn nóng trong việc tiêu diệt họa xâm lấn của người Chiêm, vua Trần Duệ Tông đã thân chinh đi đánh Chiêm Thành, mắc kế phục binh của Chế Bồng Nga và bị tử nạn tại thành Đồ Bàn. Cái chết của vua Trần Duệ Tông là bước ngoặt lớn đối với nhà Trần thời hậu kỳ. Tháng 9 năm 1377, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông thấy ông vì nước mà bỏ mình nên chiêu hồn về chôn ở Hy lăng và cho lập con trưởng của ông là Kiến Đức đại vương nối nghiệp họ Trần, tức vua Trần Phế Đế.
Trần Thuận Tông (1378 - 1399) là vị vua thứ 11 của triều Trần, tên húy là Trần Ngung, là con út của Thượng Trần Nghệ Tông. Vua sinh tháng 10/1378, lên ngôi năm 10 tuổi (1388), tự xưng là Nguyên Hoàng, ở ngôi được 9 năm, xuất gia 01 năm thì bị Hồ Quý Ly bức hại mất tại quán Ngọc Thanh, thọ 22 tuổi. Lăng mộ được táng tại vùng đất An Sinh - Đông Triều. Vua là người khoan hòa, chỉ giữ ngôi không, việc nước vào tay quyền thần, sự nghiệp tổ tông triều Trần vào tay họ khác.
Trải qua thời gian, chiến tranh, Hy lăng nay chỉ còn là phế tích. Năm 2013 và 2016, Hy lăng và chùa quán Ngọc Thanh được tổ chức khai quật khảo cổ học, kết quả cho thấy Hy lăng có quy mô mặt bằng không lớn, được xây dựng theo cấu trúc Chính tẩm ở giữa và ở vị trí cao nhất, bao quanh Chính tẩm là nhà hành lang và các kiến trúc, kiểu cách như: Đồng Thái lăng, Ngải Sơn lăng, Phụ Sơn lăng nhưng kiến trúc hành lang chỉ 1 lớp, nếu xét về phương diện quy mô thì Hy lăng thuộc nhóm Lăng mộ có quy mô trung bình so với các lăng khác của nhà Trần tại Đông Triều.
Khu vực sau khi khảo cổ được cho là vị trí của Hy Lăng
Hiện nay, Hy lăng và chùa, quán Ngọc Thanh đã được quy hoạch, lập dự án, từng bước đầu tư tôn tạo trở điểm di tích lịch sử văn hóa, du lịch tâm linh phục vụ nhân dân, du khách thập phương trong nước và quốc tế.