1. Di tích Thái lăng
Sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép, “Ngày 12, tháng 12 năm Canh Thân (1320), táng Thượng Hoàng (Trần Anh Tông) vào Thái lăng ở An Sinh”; “Mùa xuân, tháng 2 năm Nhâm Thân (1332) phụ táng Thuận Thánh Bảo từ hoàng thái hậu (tức Bảo Từ Hoàng hậu) vào Thái Lăng…”.
Di tích Thái Lăng
Vua Trần Anh Tông là vị vua thứ 4 của nhà Trần tên húy là Trần Thuyên, con trai của vua Trần Nhân Tông, ông sinh ngày 17 tháng 9 năm Bính Tí (1276), năm mười bảy tuổi (1293) được vua cha truyền ngôi, ở ngôi 21 năm, làm Thái Thượng hoàng 6 năm. Ngày 16 tháng 3 năm Canh Thân (1320) băng tại Cung Trùng Quang, phủ Thiên Trường, thọ 47 tuổi.
Thái lăng được xây dựng trên một quả đồi thấp có tên là đồi Tán (hay Trán) Quỷ trong lòng của một thung lũng mà 3 mặt đông, tây và bắc được bao bọc bởi các dãy núi cao tạo thành thế tay ngai vững chắc. Suối Phủ Am Trà bắt nguồn từ Ngọa Vân đến khu vực lăng thì chảy từ đông qua tây, ngang qua phía trước mặt của đồi Tán Quỷ rồi hội nước ở trước mặt tạo thành minh đường tụ thủy; Phía xa là dòng sông Cầm uốn lượn nhiều khúc và xa hơn nữa là những núi đá vôi sừng sững của vùng Kinh Môn giống như tấm bình phong lớn che chắn cho lăng. Tất cả các yếu tố địa hình tự nhiên này đã tạo cho lăng có một vị thế đắc địa theo quan niệm Phong Thủy với các yếu tố: tả thanh long, hữu bạch hổ, minh đường tụ thủy, hậu chẩm có núi cao.
Bia Trần triều bi ký đặt tại đền An Sinh khắc năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) là tấm bia khắc lại nội dung văn bia được dựng năm Chính Hòa thứ 10 (1689) đời vua Lê Hy Tông cho biết: “(Trần) Anh Tông Hoàng đế, mất ngày 16 tháng 3 năm Canh Thân, táng tại lăng xứ Đồng Thái”. Ngoài ra, nội dung bia còn cho biết, dưới thời Lê Trung hưng, triều đình nhà Lê cấp cho Thái lăng tổng cộng 90 mẫu 2 sào ruộng/đất (trong đó 65 mẫu cấp cho vua Trần Anh Tông và 30 mẫu 2 sào cấp cho Hoàng hậu).
Năm Minh Mạng thứ 21 (1840) vua Minh Mạng cho dựng bia ghi nhớ vị trí lăng tẩm của các vua nhà Trần tại An Sinh, trong đó có Thái lăng, bia hiện vẫn còn tại di tích. Nội dung bia ghi: “明 命 弍 拾 弌 年 玖 月 初 陸 日 奉 陳 英 宗 皇 帝 陵 勅 造 (Minh Mạng nhị thập nhất niên, cửu nguyệt, sơ lục nhật phụng Trần Anh Tông hoàng đế lăng sắc tạo; nghĩa là Ngày mồng 6 tháng chín năm Minh Mạng thứ 21 (1840) tạo (bia) tại lăng hoàng đế Trần Anh Tông theo sắc chỉ)”.
Sách Đại Nam Nhất thống chí cho biết: “Lăng Đồng thái: lăng Trần Anh Tông, phụ táng Bảo Từ hoàng hậu, ở trên đỉnh núi nhỏ xã Yên Sinh, nay vẫn còn rồng đá và bậc đá”
Theo sách Trần Triều thánh tổ các xứ địa đồ thì lăng Đồng Thái ở xã Đốc Trại, tổng Mễ Sơn, huyện Đông Triều, Phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Sách có vẽ lại hình dáng và ghi nội dung của bia đá được dựng năm Minh Mạng thứ 21 (1840); mặt bằng tổng thể khu lăng và mô tả một số mặt bằng kiến trúc hiện còn.
Như vậy, Thái lăng hay lăng Đồng Thái là những tên gọi khác nhau của lăng vua Trần Anh Tông và vợ ông là Hoàng hậu Bảo Từ. Tháng 12 năm 1320, vua Trần Anh Tông sau khi mất tại phủ Thiên Trường được rước về để an táng tại đây; Năm 1332, sau khi băng hà, Hoàng hậu Bảo Từ cũng được phụ táng vào Thái lăng. Thái Lăng là lăng tẩm đầu tiên của nhà Trần xây dựng tại An Sinh, sau đó tất cả các vua Trần đều chọn An Sinh là nơi xây dựng lăng tẩm của mình.
Địa hình và cảnh quan thiên nhiên của Thái lăng ngày nay đã khác xưa rất nhiều do việc xây dựng đập Trại Lốc vào cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ 20. Đập Trại Lốc chặn suối Phủ Am Trà, khiến cả vùng thung lũng bao quanh đồi Tán Quỷ biến thành hồ nước, đồng thời đã biến đồi Tán Quỷ thành một đảo nhỏ nằm giữa hồ Trại Lốc, cũng chính vì thế mà ngày nay nhân dân trong vùng gọi đồi Tán Quỷ là Đảo Vua.
Trải qua thời gian, Thái lăng đã bị phá hủy, các dấu vết còn lại là những phế tích dưới lòng đất và một số ít nổi trên mặt đất. Theo mô tả của Đại Nam nhất thống chí thì, đến thế kỷ 19 Thái Lăng đã bị phá hủy và chỉ còn lại “rồng đá, kỳ lân đá và bậc đá”.
Tường sau của Thái Lăng
Trong các năm 2007, 2008 toàn bộ khu vực trung tâm của Thái Lăng đã được khai quật nghiên cứu khảo cổ. Kết quả khai quật, nghiên cứu đã xác định được cấu trúc mặt bằng của Thái lăng. Theo đó Thái Lăng được xây dựng trên ngọn đồi Tán Quỷ và khu vực xung quanh, trong đó trung tâm của lăng nằm trên đỉnh đồi với cấu trúc gồm 3 cấp nền hình gần vuông chồng xếp lên nhau theo kiểu “kim tự tháp”. Cấp nền một là cấp nền dưới cùng có diện tích lớn nhất, mặt bằng hình chữ nhật, diện tích 3.267m2 (rộng đông – tây 54m, dài bắc - nam 60m); Cấp nền thứ hai có mặt bằng hình chữ nhật, diện tích 718,5m2 (rộng đông - tây 25,3m, dài bắc - nam 28,4m) nằm chồng xếp lên cấp nền một ở phần chính giữa và cấp nền thứ ba là cấp nền cao nhất, có mặt bằng hình chữ nhật diện tích 94,75m2 (rộng Đông - Tây 11,2m, Bắc - Nam 8,46m), trên các cấp nền có xây dựng nhiều công trình kiến trúc khác nhau. Tổng cộng có 24 công trình kiến trúc khác nhau đã được tìm thấy bao gồm: dấu vết đường đi, dấu vết tẩm điện, cổng, sân vườn, và tường bao. Đặc biệt, tại đây còn tìm thấy dấu vết của một tòa tháp, một loại hình kiến trúc tiêu biểu của Phật giáo.
Các công trình được tìm thấy thuộc về 3 giai đoạn xây dựng, trùng tu, sửa chữa khác nhau, trong đó đợt xây dựng đầu tiên diễn ra vào năm 1320, đợt thứ hai được sửa chữa, cải tạo vào nửa cuối thế kỷ 13 và đợt cuối cùng diễn ra vào giai đoạn nửa cuối thế kỷ 14. Các kiến trúc trong khu vực trung tâm của lăng bao gồm đường Thần đạo, sân Hành lễ, khu kiến trúc trung tâm và các kiến trúc bao quanh khu kiến trúc trung tâm. Cấu trúc tổng thể này không thay đổi trong suốt quá trình tồn tại của Thái lăng. Các thay đổi chủ yếu diễn ra trong khu vực bao quanh khu kiến trúc trung tâm. Cấu trúc của từng giai đoạn cụ thể như sau:
- Giai đoạn thứ nhất
Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn xây dựng đầu tiên, giai đoạn này Thái Lăng có kết cấu gồm: Đường Thần đạo, sân Hành lễ và khu Tẩm điện.
Đường Thần đạo ở phía Nam, nằm trên trục chính tâm của khu lăng, dẫn từ chân đồi lên đến sân Hành lễ, đường rộng 3,50m được kè xếp bằng cuội.
Sân hành lễ nằm ở phía Nam của cấp nền một, nó kết nối đường Thần Đạo và khu Tẩm Điện. Sân có mặt bằng hình chữ nhật, dài Đông - Tây 54m, rộng Bắc - Nam 16m, sân Hành lễ được kết nối với khu trung tâm của Tẩm Điện bằng 3 bậc cấp có thành bậc trang trí rồng, trong đó bậc cấp ở giữa là đường chính, rộng 1,45m gồm 5 bậc, hai bậc ở hai bên nhỏ hơn, mỗi bậc cấp gồm 3 bậc, rộng 1,20m.
Khu Tẩm Điện nằm ở phía Bắc của sân Hành lễ, kết nối với sân Hành lễ bằng hệ thống tường bao và các cổng ra vào. Khu Tẩm Điện gồm khu Trung tâm và khu ngoại vi.
Khu trung tâm Tẩm Điện là khu vực thuộc cấp nền hai và cấp nền ba, bao gồm các kiến trúc Chính Tẩm nằm ở cấp nền ba và các kiến trúc bao quanh Chính Tẩm được xây dựng ở cấp nền thứ ba. Chính Tẩm là kiến trúc trung tâm của trung tâm, đó là nơi đặt thần vị (bài vị) của vua Trần Anh Tông và Hoàng hậu, bao quanh 4 mặt của chính tẩm là một khoảng sân, sân này ngoài chức năng tạo ra sự phân lớp giữa Chính Tẩm với các công trình xung quanh còn là đường chạy đàn khi thực hiện các nghi lễ bái yết lăng tẩm.
Ở cấp nền hai có cổng ở phía Nam, hành lang ở phía Đông và hành lang phía Tây kết nối với Đại Điện ở phía sau tạo thành vòng khép kín bao quanh Chính Tẩm.
Khu ngoại vi gồm các công trình kiến trúc ở cấp nền 1 bao quanh khu kiến trúc trung tâm với các kiến trúc ở ba phía: phía Đông, Tây và Bắc có 3 kiến trúc kết nối liên hoàn với nhau. Như vậy các kiến trúc ở cấp nền 3 trên thực tế cũng tạo thành một vòng khép kín bao quanh lấy khu kiến trúc trung tâm, tạo thành hai lớp kiến trúc bao bọc lấy Chính Tẩm và ngoài cùng là hệ thống tường bao bao quanh.
- Giai đoạn thứ hai
Giai đoạn thứ hai cấu trúc tổng thể của Thái lăng không có gì thay đổi, có nghĩa là nó vẫn gồm đường Thần Đạo, sân Hành Lễ và khu Tẩm Điện. Các thay đổi chỉ diễn ra ở khu vực ngoại vi của khu Tẩm Điện. Trong đó các kiến trúc được xây dựng ở phía Đông, phía Tây và phía Bắc của cấp nền hai vốn trước đó là những công trình kiến trúc lớn, nay được thay thế bằng các công trình có quy mô nhỏ hơn. Hai kiến trúc lớn ở phía Đông và phía Tây được thay thế bằng hai kiến trúc kiểu Tả Vu và Hữu Vu. Các kiến trúc này được đẩy liền sát với tường bao phân tách khu Tẩm Điện với sân Hành Lễ và đẩy cách xa khu trung tâm về hai phía Đông và Tây. Điều đặc biệt là công trình kiến trúc ở phía Bắc nay được thay thế bằng một tòa tháp. Tháp được lắp ghép bằng các khối đất nung đúc sẵn có phủ men. Cấu trúc gồm phần đế, bệ, các tầng thân và mái. Đế tháp gồm nhiều cấp có mặt bằng hình vuông, kích thước khoảng 1,45 x1,45m; cao 0,51m. Cấp dưới cùng trang trí văn sóng nước, các cấp tiếp theo trang trí văn cúc dây; Bệ tháp mô phỏng giống như một đài sen đỡ toàn bộ thân tháp. Thân tháp cao hai tầng, tầng thứ nhất có kết cấu giống như một khám thờ, mặt trước mở một cửa ở chính giữa, các mặt còn lại để cửa giả. Toàn bộ thân tháp được trang trí các mô típ hoa văn tinh xảo với các đồ án hoa văn là hình rồng, hình hoa sen, dây lá,vv... Mái tháp lợp bằng ngói ống màu xanh lục, đầu gói trang trí rồng và gắn lá đề trang trí hình rồng, các bờ mái gắn lá đề lệch trang trí hình rồng hết sức sinh động và tinh tế. Các hoa văn trang trí trên tháp vừa thể hiện tính vương quyền lại vừa thể hiện các tư tưởng Phật giáo với những mô típ hoa văn mang tính biểu trưng của Phật giáo như hoa sen, lá đề, vv…
Việc xuất hiện một tòa tháp trong cấu trúc tổng thể kiến trúc giai đoạn hai là điểm đặc biệt đáng lưu ý của di tích Thái Lăng. Tháp là một loại hình kiến trúc Phật giáo nhưng lại được xây dựng trong một số khu lăng tẩm của các vua Trần. Ngoài Thái lăng, chúng ta biết, ở Đức lăng của vua Trần Nhân Tông cũng có một tòa bảo tháp lớn. Khảo cổ học cũng đã tìm thấy nhiều kết cấu tháp, gạch xây tháp tại khu lăng tẩm nhà Trần ở Tam Đường; trong các lăng tẩm nhà Trần ở An Sinh, các cấu kiện tháp được tìm thấy ở lăng Ngải Sơn của vua Trần Hiến Tông.
Tháp là một loại hình kiến trúc Phật giáo, tháp có hai chức năng chính, chức năng thứ nhất là nơi thờ Phật giống như chức năng của Chùa, (như trường hợp Phụng Phật Tháp tại Thông Đàn - Ngọa Vân); chức năng thứ hai là nơi chứa xá lỵ hoặc ngọc cốt của các nhà tu hành Phật giáo. Việc xây dựng tháp trong khu lăng tẩm là một nét đặc trưng riêng biệt của một số lăng tẩm nhà Trần, điều này có lẽ là do, phần lớn các vua Trần đều là người mộ đạo Phật, bản thân vua Trần Anh Tông cũng là một tín đồ của Phật giáo. Tuy nhiên điều đáng nói là, tại sao tòa tháp không được xây dựng ngay từ giai đoạn đầu tiên của lăng mà nó chỉ được xây dựng khi khu lăng này được sửa chữa? Phải chăng sự xuất hiện của tháp có liên quan đến việc phụ táng Hoàng hậu Bảo Từ?.
Hoàng hậu Bảo Từ tức Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng thái hậu (?-1330) là con gái trưởng của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, là cháu gái nội của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Ngày 3 tháng 2 năm Nhâm Thìn (1292) hoàng tử Thuyên được lập làm Đông cung Hoàng thái tử (sau này là vua Trần Anh Tông), cùng ngày bà kết hôn cùng Đông cung Thái tử, được sách phong là Hoàng thái tử phi. Năm 1293 Hoàng thái tử Thuyên lên ngôi hoàng đế, xưng là Anh Tông, bà được phong là Thánh Bà phu nhân; Mùa xuân năm 1309 bà được sách phong làm Thuận Thánh hoàng hậu; Năm 1314, sau khi lên ngôi hoàng đế, vua Trần Minh Tông đã tôn Thuận Thánh hoàng hậu là Thuận Thánh Bảo Từ Thái Thượng hoàng hậu. Bà được sử sách ca ngợi là người nhân từ, hết lòng thương yêu mọi người không kể đẳng cấp, thân sơ.
Tháng 12 năm 1320 vua Trần Anh Tông được táng vào Thái Lăng, từ đó Thuận Thánh Bảo Từ hoàng thái hậu cũng rời cung Trùng Quang (phủ Thiên Trường - Nam Định) chuyển về An Sinh, lập am Mộc Cảo gần Thái Lăng để vừa tu hành vừa trông nom lăng tẩm của vua Trần Anh Tông. Bà ở đây suốt 10 năm, sống cuộc sống giản dị của người tu hành khổ hạnh và trông nom, săn sóc lăng tẩm của vua Trần Anh Tông. Tháng 7 năm Canh Ngọ (1330) bà băng tại am Mộc Cảo và được táng vào Thái Lăng cùng vua Trần Anh Tông. Mộc Cảo am nơi Thuận Thánh Bảo Từ hoàng thái hậu tu hành nằm trên đường từ hồ Trại Lốc đi lên chùa Ngọa Vân, cách Thái Lăng khoảng 2km.
Mặc dù Thuận Thánh Bảo từ Hoàng thái hậu không xuất gia nhưng bà đã sống cuộc sống của người tu hành, rời bỏ lầu son, gác tía, lập am, sống cuộc đời của người tu hành. Và có lẽ vì vậy, khi Thuận Thánh Bảo Từ hoàng hậu được táng vào Thái lăng nhà Trần đã cho xây dựng tòa tháp tại đây và cấu trúc lại khu Tẩm Điện.
- Giai đoạn thứ ba
Vào khoảng cuối thế kỷ 14, Thái lăng được điều chỉnh lại một lần nữa, mặc dù trong quốc sử không ghi chép nhưng các dấu vết khảo cổ học còn lại đã cho thấy Thái lăng đã được cấu trúc lại. Lần điều chỉnh này cấu trúc tổng thể khu lăng vẫn được giữ nguyên tức là vẫn bao gồm: Đường Thần đạo, sân Hành Lễ và khu Tẩm Điện. Các thay đổi chủ yếu diễn ra ở phần ngoại vi của khu Tẩm Điện; Tòa Tả Vu được rỡ bỏ; Tòa Hữu Vu cũ được xây dựng lại ở vị trí mới cân xứng với khu trung tâm của Tẩm Điện; Ở phía Bắc tòa tháp bị phá hủy và thay vào đó là một kiến trúc nhỏ hơn, kết nối với tòa Đại Điện tạo thành một kiến trúc kiểu chữ Đinh (丁). Cấu trúc này của Thái lăng được duy trì mãi về sau.
Chưa biết chính xác các công trình kiến trúc của Thái lăng bị phá hủy hoàn toàn từ khi nào, khảo cổ học cũng không tìm thấy dấu vết xây mới các công trình dưới thời Lê, Nguyễn sau này. Theo ghi chép của các văn bia tại đền An Sinh thì lăng luôn được chính quyền trung ương của các đời sau chăm lo, thờ phụng bằng việc cấp đất cho lăng, giao cho chính quyền địa phương trông coi, thờ phụng, hàng năm có quan lại của triều đình kiểm tra, giám sát việc thực hiện các công việc đó.
Thái Lăng là khu lăng tẩm có mặt bằng còn tương đối nguyên vẹn có niên đại chính xác và sớm nhất còn lại trong hệ thống lăng tẩm hoàng gia của các triều đại phong kiến Việt Nam. Việc nghiên cứu và làm rõ cấu trúc của Thái Lăng đóng góp tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử phát triển của nghệ thuật kiến trúc lăng tẩm của các triều đại phong kiến Việt Nam. Mặc dù Đại Việt sử ký toàn thư cho biết lăng tẩm của các vua Lý ở Thọ Lăng phủ Thiên Đức (Từ Sơn – Bắc Ninh) nhưng đến nay chúng ta hoàn toàn chưa có thông tin nào về cấu trúc của khu lăng tẩm này. Các tư liệu về lăng mộ thời Lý nói chung cũng rất ít, hiện mới chỉ biết đến hai di tích là lăng mộ của Thái sư Lê Văn Thịnh (ở núi Thiên Thai) và mộ Lê Lan Xuân. Tư liệu thu được từ hai ngôi mộ này đã cung cấp một số thông tin về cấu trúc mộ, huyệt mộ và hình thức mai táng. Tư liệu về mộ táng thời Lý chưa cho biết về cấu trúc tổng thể của một khu mô thời Lý nói chung, mộ của tâng lớp quý tộc nói riêng và nhất là lăng mộ hoàng gia là một khoảng trống lớn hiện nay.
Tình hình tư liệu về cấu trúc lăng tẩm hoàng gia giai đoạn đầu nhà Trần phong phú hơn thời Lý, một số lăng tẩm của các vua Trần xây dựng ở khu Tam Đường đã được khai quật, nghiên cứu. Nhưng các tư liệu hiện có chưa cho phép chúng ta hiểu được cấu trúc mặt bằng của các lăng mộ này như thế nào. Trong bối cảnh như vậy, những hiểu biết về cấu trúc tổng thể, mặt bằng kiến trúc của Thái Lăng đã cung cấp những tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu kiến trúc lăng tẩm hoàng gia, góp tư liệu nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc giai đoạn trước nó.
Thái lăng cho phép nhận biết những đặc trưng có bản của một lăng tẩm thời Trần:
Với đường Thần đạo bắt đầu từ chân núi, trung tâm Địa Thượng được đặt ở đỉnh núi, Thái Lăng điển hình cho phong cách “lấy núi làm lăng” trong kiến trúc lăng mộ hoàng gia Việt Nam. Phong cách này đã phản ánh rõ quan điểm “lăng tẩm lấy cao to để thể hiện đẳng cấp” trong nghệ thuật xây dựng lăng tẩm thời Trần.
Kiến trúc được xây dựng theo lối nhiều lớp khép kín, lấy Tẩm - nơi đặt bài vị là trung tâm, các kiến trúc khác bao quanh kiến trúc trung tâm. Mặc dù giai đoạn thư hai và giai đoạn thứ ba các kiến trúc bao quanh khu trung tâm có thay đổi song tổng thể nó vẫn thể hiện rõ tính chất nhiều lớp kiến trúc bao quanh kiến trúc trung tâm.
Ngoại trừ các kiến trúc khu vực trung tâm, các kiến trúc bao quanh không phải lúc nào cũng tuân thủ quy luật đăng đối trong kiến trúc.
Tháp - một loại hình kiến trúc tiêu biểu của Phật giáo được xây dựng trong khu trung tâm Địa thượng phản ánh sự chi phối sâu sắc của Phật giáo đến nghệ thuật kiến trúc lăng tẩm của nhà Trần. Lăng mộ hoàng gia các thời sau hoàn toàn không thấy sự góp mặt của loại hình kiến trúc đặc biệt này.
Bộ sưu tập di vật ở Thái Lăng cho phép nhận thức các giá trị cũng như quá trình xây dựng, tồn tại và phát triển của Thái Lăng. Nó cũng phản ánh vị trí, tính chất và vai trò của các kiến trúc ở đây, đồng thời qua đó có thể nhận diện những đặc trưng của Thái Lăng.
Toàn bộ vật liệu kiến trúc tìm được là các loại hình vật liệu kiến trúc của thời Trần, không có các loại vật liệu của các thời sau đó.
Cũng giống như các lăng tẩm ở Tam Đường, kiến trúc ở Thái Lăng không lợp bằng ngói ống (ngói âm dương), trong khi ngói ống được dùng phổ biến để lợp các cung điện, thậm chí các hoa văn trang trí trên đầu ngói cho biết ngói ống thường được dùng để lợp những cung điện quan trọng. Song ở Tam Đường cũng như ở Thái Lăng và các lăng mộ khác ở An Sinh ngói ống hoàn toàn không được sử dụng. Với tư liệu hiện có cho thấy các kiến trúc lăng tẩm nhà Trần chỉ được lợp bằng ngói phẳng (ngói mũi sen và ngói mũi lá), không dùng ngói ống.
Các kiến trúc ở Thái Lăng lợp bằng ngói mũi sen và ngói mũi lá. Ngói mũi sen đơn chủ yếu được dùng cho các kiến trúc bao quanh và tường bao, các kiến trúc trung tâm sử dụng loại ngói cánh sen kép giả có phủ men hoặc không phủ men và kiến trúc quan trọng nhất (KT03) lợp bằng ngói cánh sen kép thật, loại ngói có dáng thanh thoát, mũi hất cao hầu như mới chỉ được thấy ở Thái Lăng. Việc lựa chọn sử dụng các loại ngói khác nhau cho các đối tượng kiến trúc khác nhau phản ánh tầm quan trọng của mỗi kiến trúc. Không chỉ có lựa chọn ngói, sự quan trọng của mỗi kiến trúc còn được thể hiện qua việc lựa chọn các loại hình chân tảng, nó thể hiện rất rõ qua việc các chân tảng có trang trí hoa sen là chân tảng của kiến trúc KT03. Như vậy có thể thấy, vị trí vai trò của kiến trúc thể hiện qua các loại nguyên liệu tham gia xây dựng kiến trúc đó.
Các loại hình vật liệu kiến trúc tìm được ở đây cũng cho thấy các bước diễn tiến của di tích. Ngói mũi lá loại 2 (thân mỏng) chỉ tìm thấy ở phạm vi của kiến trúc bao quanh kiến trúc trung tâm của giai đoạn kiến trúc thứ 3. Các giai đoạn trước đó chưa thấy xuất hiện loại ngói này.
Đồ gốm khá phong phú, trong đó chủ yếu là gốm men thời Trần. Các loại gốm men thời Trần tìm được ở đây đều là những loại gốm cao cấp của thời Trần, hoa văn trang trí trên đồ gốm là những mô típ mang tính biểu trưng của Phật giáo như bát bửu, hoa sen, vv... đồ gốm của các thời kỳ khác cũng được tìm thấy nhưng số lượng không đáng kể song chúng đều là các sản phảm có chất lượng cao. Như vậy, sưu tập di vật tìm được ở Thái Lăng thể hiện:
Một bộ sưu tập hiện vật phong phú về loại hình, đa dạng về hình dáng, là các sản phẩm có chất lượng cao, hoa văn trang trí tinh xảo, đó là những loại hình di vật chỉ được tìm thấy tại các di tích liên quan mật thiết đến hoàng gia, hay nói cách khác nó phản ánh tính vương quyền hết sức mạnh mẽ.
- Các hoa văn trang trí trên kiến trúc, vật liệu kiến trúc, thành bậc, .. chủ yếu là các chủ đề rồng phượng, hoa sen, hình tháp. Một mặt phản ánh tính vương quyền mặt khác cho thấy sự chi phối của tư tưởng Phật giáo trong nghệ thuật trang trí lăng mộ thời Trần. Đặc biệt các hoa văn trang trí trên tháp và những hình chữ “Vạn” được khắc chìm trên các viên ngói (BV44; BA58. 5-8) càng phản ảnh rõ sự chi phối của tư tưởng Phật giáo trong nghệ thuật kiến trúc lăng tẩm ở Thái Lăng.
Thái Lăng còn phản ánh rõ tính truyền thống và tính riêng biệt so với kiến trúc lăng mộ của các thời.
Thái Lăng thể hiện rõ truyền thống coi trọng xây dựng tôn miếu, thông qua việc lựa chọn vị trí xây dựng và quy mô kiến trúc.
Về mặt cấu trúc tổng thể, Thái Lăng tuân thủ theo cấu trúc truyền thống lăng tẩm vua chúa bao gồm hai phần Lăng và Tẩm. Tuy nhiên Thái Lăng là lăng đầu tiên xây dựng theo phong cách “biến núi thành lăng”, kết hợp hài hòa giữa các công trình nhân tạo với cảnh quan thiên nhiên tạo lên sự hoành tráng và có tính biểu trưng rất cao. Nó mở đầu cho phong cách kết hợp hài hoa giữa điều kiện tự nhiên với các công trình nhân tạo trong nghệ thuật xây dựng lăng tẩm hoàng gia của các triều đại phong kiến Việt Nam. Hiện chưa có tư liệu về lăng tẩm hoàng gia của nhà Lý, các lăng tẩm nhà Trần ở Thái Bình được xây dựng ở khu vực đồng bằng, Lăng được đắp to và cao như quả núi, Tẩm điện được xây dựng ở phía Bắc của Lăng, trên đỉnh Lăng không có kiến trúc. Như vậy, so với các lăng mộ giai đoạn trước đó, Thái Lăng tiếp tục tuân thủ cấu trúc Lăng gồm hai phần Lăng và Tẩm điện, tức là mỗi một lăng là một quần thể lăng tẩm độc lập nhưng cũng bắt đầu có những nét khác biệt trong cấu trúc với việc kết hợp hài hòa giữa điều kiện tự nhiên với các công trình nhân tạo đồng thời tạo nên sự hòa quyện giữa Lăng và Tẩm bằng việc xây dựng các kiến trúc trên đỉnh của Lăng, không tách biệt hai phần Lăng và Tẩm như các lăng trước đó ở Tam Đường.
Khu lăng tẩm nhà Lê ở Lam Kinh cũng được xây dựng trên địa bàn đồi núi nhưng lại có bố cục hoàn toàn khác. Mỗi một lăng chỉ gồm một mộ đất có hình khối và kích thước gần bằng nhau mỗi cạnh dài khoảng 4m, phía trước có đường Thần đạo, không xây dựng tẩm điện riêng biệt cho từng lăng mà toàn bộ khu sơn lăng có một khu tẩm điện chung gọi là tẩm điện trung tâm, các nghi lễ bái yết lăng tẩm diễn ra ở khu tẩm điện trung tâm. Cấu trúc khu sơn lăng ở Lam Kinh của nhà Lê về mặt tổng thể khá giống với cấu trúc của khu Thập tam lăng của nhà Minh (Trung Quốc). Trong khi đó lăng tẩm nhà Nguyễn là sự kết hợp hài hòa giữa địa hình tự nhiên với việc cải tạo cảnh quan đáp ứng các yêu cầu về phong thủy với một bố cục nhiều lớp trải dài, các lớp được phân tách bởi các lớp cổng và tường bao. Cấu trúc lăng tẩm thời Nguyễn là điển hình cho phong cách lăng tẩm mô phỏng lại cấu trúc đô thành với nhiều lớp với vòng ngoài cùng là vòng La Thành.
Nếu như lăng tẩm thời kỳ sau lấy việc phát triển theo bề rộng để thể hiện quy mô và độ hoành tráng thì Thái Lăng lấy chiều cao để thể hiện điều đó. Với kiến trúc trung tâm được xây dựng trên đỉnh của Lăng theo cấu trúc nền nhiều cấp và kiến trúc xây dựng theo lối nhiều lớp khép kín tạo nên sự hoành tráng và uy nghiêm của khu lăng tẩm thể hiện quan niệm lăng tẩm lấy cao to để thể hiện đẳng cấp.
Sự xuất hiện kiến trúc tháp – một loại hình kiến trúc đặc trưng của Phật giáo ở Thái Lăng cho thấy nét đặc trưng của các lăng mộ nhà Trần, nó cho thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo đến đời sống văn hóa xã hội nói chung và nghệ thuật kiến trúc lăng mộ nhà Trần nói riêng.
Th.S: Nguyễn Văn Anh