1. An Sinh - Đông Triều quê gốc của nhà Trần
Bia Thần đạo ở An Sinh chép rằng: “Tiên tổ nhà Trần vốn là người Yên Sinh (hay An Sinh vì chữ 安 có hai cách đọc là An và Yên) huyện Đông Triều, sau dời đến ở hương Tức Mặc phủ Thiên Trường”; Sách Trần thị gia huấn, được viết vào năm Thành Thái thứ 9 (1907) hiện lưu giữ tại đền Cố Trạch (Tức Mặc - Nam Định) ghi rõ hơn: “Nhà Trần ban đầu tới núi Yên Tử chiếm địa thế núi, dựng ngôi chùa nhỏ thờ phật, một vùng sau núi sau này có thể làm nơi của họ hàng ăn ở yên vui, nay là xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương[1] có miếu nhà Trần ở đó… Một ngày kia đến khu vực khang kiện vùng Tức Mặc, Thiên Trường, nay có miếu thờ tự nhà Trần ở đó…”.
“Xét về quê hương của họ Trần có ba nơi, thứ nhất Dương trạch ở xã An Sinh huyện Đông Triều tỉnh Hải Dương, thứ hai Dương trạch ở xã Tức Mặc huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, thứ ba Âm phần ở xã Thái Đường huyện Hưng Nhân nay thuộc tỉnh Thái Bình”.
An sinh là quê của nhà Trần, vì thế nên sau “biến loạn sông cái” vua Trần Thái Tông đem đất 5 xã gồm: Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng và Yên Bang cấp cho anh mình là Trần Liễu làm đất thang mộc vua và phong làm An Sinh vương. Vùng đất thang mộc của Trần Liễu được gọi chung là Yên Sinh. Khoảng giữa thế kỷ XIV, vua Trần Dụ Tông (1341-1369) lấy đất An Sinh đổi làm châu Đông Triều (東朝).
Lựa chọn vị trí để xây dựng kinh đô (Dương trạch) và xây cất lăng tẩm, đền miếu (Âm trạch) được coi là hai việc quan trọng bậc nhất, quyết định đến sự tồn vong của triều đài, sự hưng thịnh và lâu bền của xã tắc. Do vậy, các triều đại phong kiến đều đặc biệt coi trọng việc chọn đất, xây dựng, thờ phụng lăng tẩm, tôn miếu.
Sau khi về quản lý vùng đất “quê cha, đất tổ”, An Sinh vương đã cho xây dựng phủ đệ, đền miếu tại An Sinh. Đầu thế kỷ XIV, vua Trần Anh Tông chọn An Sinh làm nơi xây dựng lăng tẩm (lăng tẩm các vua nhà Trần trước đó được xây dựng ở Long Hưng (Thái Bình)), từ đó các vua Trần đều chọn An Sinh làm nơi xây dựng lăng tẩm của mình. Năm 1381 nhà Trần cho rước thần tượng các lăng ở Long Hưng, Tức Mắc về An Sinh. An Sinh trở thành khu lăng tẩm lớn và duy nhất của nhà Trần. Việc An Sinh được nhà Trần lựa chọn là nơi xây dựng lăng tẩm và đền miếu cho thấy vùng đất này không chỉ là Dương Trạch (quê gốc) mà còn là Âm Trạch (lăng tẩm và thái miếu) của nhà Trần.
2. Đền An Sinh
Đền An sinh hiện nay vốn là điện An Sinh được xây dựng vào thời Trần. Hiện này chưa có tư liệu thành văn nào cho biết về điện An Sinh thời Trần; di tích đền An Sinh cũng chưa khai quật khảo cổ học. Do vậy, các giả thuyết về điện An Sinh dưới thời Trần chủ yếu căn cứ trên kết quả khảo sát tại di tích và các tư liệu liên quan đến di tích này thời Lê Trung hưng hiện còn lưu giữ được tại An Sinh và một số di tích liên quan.
Kết quả khảo sát tại đền An Sinh cho thấy, tại đây còn lại đậm đặc các dấu vết vật chất của thời Trần như: gạch, ngói và các loại hình chân tảng với nhiều kích cỡ khác nhau. Các dấu vết vật chất như gạch, ngói, tảng kê chân cột cho thấy, các loại vật liệu thời Trần ở đền An Sinh có tính chất khá tương đồng với vật liệu ở đền Thái (Thái Miếu); ngói mũi sen có kích thước lớn và hầu hết không có trang trí; chân tảng có nhiều kiểu loại, trong đó đáng lưu ý có khá nhiều chân tảng cột âm, giống như kiến trúc lớn ở Thái Miếu. Các loại vật liệu kiến trúc, diện phân bố của nó cho phép suy đoán, điện An Sinh thời Trần được xây dựng trên quy mô rộng lớn; các loại hình vật liệu kiến trúc khác nhau cho thấy điện An Sinh là một quần thể kiến trúc gồm nhiều công trình có quy mô khác nhau, trong đó có nhiều công trình có quy mô rất lớn.
Các tư liệu hiện còn, kể cả các tư liệu thu thập qua khảo sát tại hiện trường không cho biết về tình trạng điện An Sinh dưới thời Lê sơ. Các kiến trúc thời Trần của điện An Sinh có tiếp tục tồn tại và kéo dài đến thời Lê sơ hay không ? hoặc tình hình điện An Sinh thời Lê sơ thế nào vẫn là một khoảng trống cần khỏa lấp. Để lấp kín khoảng trống này, không gì khác chính là khảo cổ học.
Tư liệu văn bia hiện còn chủ yếu được khắc vào thời Lê Trung hưng. Theo các tư liệu này, điện An Sinh dưới thời Lê Trung hưng cũng được gọi là điện An Sinh, đền là nơi thờ 05 vị vua nhà Trần gồm: Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông và Khâm Minh Thánh vũ Hiển đạo An Sinh hoàng đế. Vậy có phải ngay từ thời Trần điện An Sinh đã là nơi thờ các vua nhà Trần?
Các tư liệu thời Lê Trung hưng cho biết, đền An Sinh chỉ thờ các vua nhà Trần từ Trần Anh Tông đến vua Trần Nghệ Tông, ngoại trừ vua Trần Hiến Tông và vua Trần Duệ Tông nhưng lại có một vị mà tên hiệu không phải là tên hiệu của các vua Trần. Từ trước đến nay các ý kiến cho rằng, điện An Sinh được xây dựng làm nơi thờ thần vị các vua được chuyển từ Long Hưng – Tức Mặc về An Sinh vào năm 1381[2]. Tuy nhiên, thư tịch ghi chép về việc thờ phụng tại đền An Sinh và đặc biệt là kết quả nghiên cứu mới đây tại lăng Tư Phúc cho thấy, giả thuyết cho rằng đền An Sinh được xây dựng làm nơi thờ thần vị các vua được chuyển từ Long Hưng, Quắc Hương, ... về An Sinh là không phù hợp bởi, nhà Trần đã xây dựng Tư Phúc - quần thể kiến trúc lăng tẩm lớn làm nơi thờ thần vị của vua Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông khi chuyển về từ Long Hưng – Tức Mặc. Thêm vào đó, kết quả nghiên cứu khảo cổ học tại quần thể lăng tẩm nhà Trần tại An Sinh đến nay cho thấy, dưới thời Lê Trung hưng, Tư Phúc là lăng duy nhất được triều đình cho trùng tu, xây dựng và tiếp tục thờ phụng hai vua Thánh Tông và Thái Tông, các lăng khác hầu như được bảo vệ nguyên trạng, không có sự trùng tu, tôn tạo ngay cả khi kiến trúc của các lăng tẩm này đã bị sập đổ. Tư liệu thần tích, thần sắc của các làng An Sinh, Trại Lốc cho thấy, việc thờ phụng ở Tư phúc được duy trì đến đầu thế kỷ XX, trong khi đó việc thờ phụng các vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Dụ Tông và Trần Nghệ Tông được thực hiện tập trung tại đền An Sinh và tại các lăng, tất cả các hoạt động thờ phụng này đều phải tuân theo những quy định tương đối chặt chẽ và chịu sự giám sát trực tiếp của nhà nước[3].
Như đã trình bày ở trên, tư liệu văn bia thời Lê Trung hưng cho thấy, dưới thời Lê Trung hưng, đền An Sinh không thờ tất cả các vị vua Trần mà chỉ thờ 4 vị là Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Dụ Tông và Trần Nghệ Tông. Tại sao đền An Sinh chỉ thờ 4 vị mà không phải là tất cả các vua Trần? Tư liệu hiện nay cho phép suy đoán, đền An Sinh chỉ thờ 4 vị thay vì tất cả các vị vua Trần là vì: 1) các vua Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông đã được thờ ở Tư Phúc nên không thờ tại đây; 2) vua Trần Nhân Tông đã được thờ tại Ngọa Vân nơi ông tu hành và hóa Phật, nên cũng không thờ tại đền An Sinh, điều này đã được giải thích trong thần tích của làng Đốc Trại[4]; 3). Việc vua Trần Hiến Tông không được thờ tại An Sinh có lẽ xuất phát từ việc nhà Lê không thừa nhận lăng tẩm của ông được xây dựng tại An Sinh vì bản thần quốc sử của nhà Lê là ghi nhận là ông được táng ở Kiến Xương[5], bấy giờ thuộc xứ Sơn Nam hạ mặc dù Ngải Sơn lăng là lăng tẩm của vua Trần Hiến Tông nằm cách đền An Sinh không xa. Như vậy, điện An Sinh được xây dựng không nhằm làm nơi thờ phụng thần tượng các vua được dời từ Long Hưng – Tực Mặc về An Sinh, đồng thời các tư liệu này cũng cho phép suy đoán việc thờ phụng các vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông và Khâm Minh Thánh vũ Hiển đạo An Sinh hoàng đế tại đền An Sinh chỉ bắt đầu từ thế kỷ XVII-XVIII khi các kiến trúc tại đền Thái và các lăng tẩm cơ bản đã bị sập đổ.
Trong số các vị được thờ tại điện An Sinh dưới thời Lê Trung hưng một vị có miếu hiệu là Hiển đạo An sinh vương hoàng đế. Vậy Hiển đạo An sinh vương hoàng đế là ai?
Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Năm Giáp Ngọ (1234)… lấy Thái Úy là Liễu (Trần Liễu - TG) làm phụ chính, sách phong là Hiển Hoàng”; “Năm Bính Thân (1236),… mùa hạ, tháng 6 nước to, vỡ vào cung Lê Thiên. Bấy giờ Hiểu Hoàng là Liễu làm tri Thánh Từ cung, nhân nước to đi thuyền vào chầu, thấy người phi cũ của triều Lý, hiếp dâm ở cung Lệ Thiên, đình thần hặc tâu, vì thế mới đổi tên cung ấy là cung Thưởng Xuân, giáng Hiển Hoàng làm Hoài Vương”[6]. Những ghi chép này của Đại Việt sử ký toàn thư cho thấy Hiển Hoàng chính là tức hiệu của Trần Liễu khi chưa xảy ra sư kiện ở cung Lê Thiên tại Hoàng cung Thăng Long.
Thần tích, thần sắc tại các làng Đạm Thủy, Triều Khê, Trảng Bản, Đặng Xá xác nhận, Khâm Minh Thánh vũ hiển đạo An Sinh vương hoàng đế là Trần Liễu.
Như đã biết, năm 1237, sau “biến loạn sông cái” vua Trần Thái Tông đem đất 5 xã gồm: Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng và Yên Bang cấp cho Trần Liễu làm đất thang mộc. Vùng đất thang mộc của Trần Liễu được gọi chung là Yên Sinh (An Sinh) vì vậy Trần Liễu cũng được phong là An Sinh vương. Khi về cai quản vùng đất An Sinh, An Sinh vương đã cho xây dựng phủ đệ, đền miếu. Kết quả nghiên cứu khảo cổ học tại đền Thái đã chứng minh, đền Thái chính là Tổ miếu do An Sinh vương xây dựng tại Đông Triều, sau đó nhà Trần tiếp tục sử dụng như Thái Miếu chung của nhà Trần tại Đông Triều[7].
Từ những tư liệu và phân tích nêu trên, chúng tôi ngờ rằng điện An Sinh thời Trần chính là phủ đệ của An Sinh vương, sau khi ông mất, nó được nhà Trần thu hồi và sử dụng là nơi nghỉ ngơi khi vua Trần về An Sinh, tức là Điện An Sinh giống như một hành cung tại An Sinh.
Ít nhất đến thời Lê, khi các đền miếu, lăng tẩm các vua Trần ở Đông Triều bị xuống cấp hoặc bị phá hủy, nhà Lê đã cho xây dựng điện An Sinh, trùng tu chùa Ngọa Vân và lăng Tư Phúc là nơi thờ các vua Trần, trong đó Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông được thờ ở lăng Tư Phúc; vua Trần Nhân Tông được thờ ở am Ngọa Vân và các vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Dụ Tông và Trần Nghệ Tông được thờ tại nơi trước đây là điện An Sinh. An Sinh vương Trần Liễu với tư cách là chủ của vùng đất An Sinh, là dòng trưởng của nhà Trần vì vậy ông cũng được thờ tại điện An Sinh ngang hàng với các vua nhà Trần với miếu hiệu là Hiển đạo An sinh vương hoàng đế. Cũng phải nói thêm rằng, khác với tất cả các tôn thất được phong vương khác của nhà Trần, An Sinh vương là người duy nhất được lấy tên của chính vùng đất được phân phong làm vương hiệu, phải chăng đó chính là ẩn ý của vua Trần Thái Tông muốn giao cho anh mình làm vương của đất An Sinh, cũng đồng thời là gửi gắm quê cha, đất tổ cho anh mình trông coi.
Việc thờ tự phụng tại đền An Sinh được thực hiện từ thời Lê Trung hưng và được duy trì đến nửa đầu thế kỷ 20. Từ năm 1958-1975, khu vực điện An Sinh trở thành Trường học sinh miền Nam tập kết ra Bắc và thường được gọi với tên Trường học sinh miền Nam Đông Triều. Từ năm 1997-2000 đền được tôn tạo và xây dựng lại trên khu vực nền điện cũ và đặt tượng thờ phụng 8 vị vua: 1) Trần Thái Tông, 2) Trần Thánh Tông, 3) Trần Anh Tông, 4) Trần Minh Tông, 5) Trần Hiến Tông, 6) Trần Dụ Tông, 7) Trần Nghệ Tông và 8) Giản Định Đế (Trần Ngỗi) ở Hậu cung. Thiêu Hương là nơi thờ An Sinh vương Trần Liễu và Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Tòa tả vu là nơi thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tòa Hữu nay được cải tạo thành Phòng trưng bày giới thiệu về Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều.
Theo Đề án Quy hoạch bảo tồn và phát huy tổng thể Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đền An Sinh trong tương lai sẽ được quy hoạch kết nối tổng thể với lăng Tư Phúc ở phía sau, ngoài khu đền chính thì đây sẽ là trung tâm giới thiệu, quảng bá về Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều.
[1] Từ năm 1831 đến năm 1963 huyện Đông Triều thuộc tỉnh Hải Dương.
[2] Ban quản lý di tích trọng điểm Quảng Ninh (2010) Di tích lịch sử văn hóa nhà Trần tại Đông Triều. Nxb Khoa học xã hội, tr.43.
[3] Thần tích, thần sắc làng Đốc Trại; Thần tích, thần sắc làng An Sinh. Tư liệu lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội.
[4] Thần tích, thần sắc làng Đốc Trại.
[5] Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Văn hóa – Thông Tin 2006, tr.445, 446
[6] Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Văn hóa – Thông Tin 2006, tr.445, 446.
[7] Xem thêm: Tống Trung Tín, Bùi Minh Trí, Nguyễn Văn Anh và Nnk. Di tích đền Thái qua tư liệu khảo cổ học. T/c Khảo cổ học, Số 5/2011, tr.5-22.
Th.S: Nguyễn Văn Anh