Di tích núi Canh - Yên Đức

Di tích núi Canh - Yên Đức

19/06/2019 | 0
Di tích núi Canh - Yên Đức

1. GIỚI THIỆU

 

         Cụm di tích lịch sử - thắng cảnh Yên Đức nằm ở phía Tây Nam xã Yên Đức, phía Đông Nam thị xã Đông Triều, phía Tây tỉnh Quảng Ninh; cách thành phố Hạ Long khoảng 60km và cách thủ đô Hà Nội 100km. Cụm đi tích này được hợp thành bởi 5 di tích: Núi Canh, núi Đống Thóc, núi Thung, núi Con Chuột, núi Con Mèo. Tất cả như hội tụ về đây tạo thành một vùng non nước hữu tình, mỗi di tích đều mang một giá trị lịch sử, cách mạng, văn hóa riêng, không chỉ có giá trị thắng cảnh tuyệt đẹp mà gắn liền với mỗi di tích là một truyền thuyết dân gian có liên hệ khăng khít mật thiết với nhau như không thể tách rời.

          Với những giá trị về lịch sử, cách mạng, văn hóa và danh thắng; Cụm di tích Yên Đức đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử - thắng cảnh cấp Quốc gia từ năm 1993.

 

 

         Từ Quốc lộ 18 rẽ về phía Nam theo Tỉnh lộ 333 hơn 2km, đến UBND xã Yên Đức (TX Đông Triều) chúng ta sẽ bắt gặp dãy núi đá vôi sừng sững có hai ngọn, trên đỉnh một ngọn có lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới và khoảng yên ngựa giữa hai ngọn núi có đài “Yên Đức chiến thắng”. Đó là núi Canh - chiến luỹ đá trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của du kích Đông Triều .

         Di tích Núi Canh là di tích tiêu biểu trong cụm di tích lịch sử - thắng cảnh Yên Đức. Tên núi Canh được người dân ở đây lý giải là do ngọn núi này có hình dáng giống như hình cái cày. Bên cạnh núi còn có thêm những địa danh liên quan đến sản xuất nông nghiệp như núi Thung (cối giã gạo), núi Đống Thóc, hang Gốc Gạo, núi Con Mèo, núi Con Chuột; nên “Canh” trong núi Canh mang ý nghĩa là “canh nông”. Tuy nhiên, một số người cho rằng, do ngọn núi như một bức tường thành trấn ải cửa ngõ Đông Bắc của xã. Đứng trên đỉnh núi Canh có thể bao quát toàn bộ các khu vực xung quanh, nhiều trạm canh gác trên núi được xây dựng nên “Canh” còn có nghĩa là “canh gác”. Từ xa xưa vua Trần Nhân Tông đã chọn nơi đây để “chỉ huy tầm xa” trận chiến Bạch Đằng trong lần Đại phá quân Nguyên Mông lần thứ 3 (1288). Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, núi Canh đã từng là căn cứ kháng chiến của nghĩa quân Yên Thế, là kho dự trữ lương thực, thực phẩm phục vụ cho kháng chiến chống Pháp. Có lẽ cũng từ trong chiến tranh cách mạng mà các hang động trên núi Canh đã được đặt tên như: Hang Tiếp Tế, hang Luồn v.v. và sau này còn có Hang 73 nữa.

         Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, núi Canh được coi là một chiến luỹ đá, căn cứ quan trọng của du kích Đông Triều nhằm khống chế tuyến đường 333, nối Quảng Ninh với Hải Phòng...

 

 

         Từ đầu năm 1950, sau nhiều đợt càn quét đẫm máu, thực dân Pháp không thể chiếm được đường 333 đi qua xã Yên Đức sang Hải Phòng để khơi thông nguồn tiếp viện. Ngày 23-11-1950, giặc Pháp huy động 1 trung đoàn lính, trong đó có 2 tiểu đoàn lính lê dương và 1 tiểu đoàn nguỵ quân càn quét vào Yên Đức. Đây là trận càn lớn nhất của Pháp vào các xã khu vực phía đông huyện Đông Triều. Tại đây, chúng đã gây nên những tội ác man rợ với nhân dân Yên Đức. Chúng đã bắt, đánh đập và hành hạ dã man hàng chục người, đốt phá nhà cửa, ruộng vườn của nhân dân. Sau những trận chiến đấu vô cùng quyết liệt, quân du kích tuy rất gan dạ và anh dũng nhưng do lực lượng không cân sức, quá chênh lệch, nên buộc phải rút vào núi Canh để bảo toàn lực lượng và cố thủ, tiếp tục đánh trả...

         Trong những ngày vây hãm tại núi Canh, quân Pháp đã bắt nhân dân chặt tre trong làng rào vây 3 vòng quanh núi để chặn đường tiếp tế của nhân dân và ngăn cản sự ra, vào của lực lượng du kích. Trong hang núi, tuy lương thực, vũ khí đã cạn kiệt, song lực lượng du kích vẫn kiên trì chiến đấu. Chuyện kể rằng, trong trận càn này, đồng chí Phạm Văn Bính, một du kích của xã, khi chiến đấu ở hang Cửa Đình, đã bị giặc Pháp bắt được. Chúng uy hiếp nhằm khống chế, buộc đồng chí phải dẫn đường cho chúng vào hang. Thế nhưng đồng chí đã kiên quyết cự tuyệt nên bị quân thù bắn chết ngay trước cửa hang; một số đồng chí khác bị thương nặng sa vào tay địch nhưng vẫn một lòng kiên trung với Đảng, nêu cao bản lĩnh, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Tuy lực lượng yếu hơn rất nhiều, song trong những ngày bị vây hãm trong hang núi Canh, du kích và nhân dân xã Yên Đức đã tiêu diệt được 7 tên địch và làm hư hỏng, thiệt hại nhiều vũ khí, khí tài quân sự quan trọng của chúng. Đặc biệt là tinh thần chiến đấu ngoan cường của những du kích và người dân trên địa bàn đã khiến chúng khiếp sợ. Khi quân Pháp bắc loa gọi du kích ở trong hang ra đầu hàng thì tiếng trả lời đanh thép từ trong hang vọng ra là: “Chết một đống còn hơn sống một người”, thể hiện ý chí đoàn kết, quyết chiến của du kích Đông Triều với giặc Pháp.

         Đến 6 giờ sáng ngày 02-12-1950 (tức 23-10 năm Canh Dần) quân Pháp dùng pháo bắn xối xả vào núi Canh rồi cho quân tiếp tục đổ bộ lên núi. Lực lượng du kích của ta đã chống trả quyết liệt, đồng chí Phạm Văn Thuật đã bắn chết 1 tên đội Tây tại cửa hang Tắm và cướp súng để tiếp tục bắn lại giặc. Biết không thể bắt sống được du kích đang cố thủ trong hang, chúng tiếp tục ném lựu đạn cay, đổ xăng đốt các cửa hang núi Canh, hang Gốc Gạo, hang Cửa Đình. Chúng phá dỡ trên 200 ngôi nhà của nhân dân trong các thôn và đình, chùa... trong xã để lấy gỗ, rơm, rạ nhét vào các cửa hang, đốt hun lực lượng du kích. Sau việc làm dã man và tàn bạo đó, chúng bắt dân làng vào hang lôi xác 73 du kích bị hy sinh ra chôn chung 1 mồ, 22 du kích còn thoi thóp cũng đã bị chúng hành hạ rất dã man...

         Ghi nhớ sự kiện lịch sử cách mạng đó, năm 1980 Đảng bộ và nhân dân xã Yên Đức đã dựng Đài tưởng niệm “Yên Đức chiến thắng” trên núi Canh. Tại cửa hang nơi 73 hài cốt của du kích được an táng, chính quyền và nhân dân ta đã xây mộ, xây dựng nhà bia khắc tên 73 du kích hy sinh tại núi Canh cùng với danh sách các liệt sĩ của quê hương Yên Đức đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Nơi đó đã trở thành địa điểm hoạt động VHVN-TDTT, luyện tập quân sự của DQTV cùng các hoạt động truyền thống của địa phương. Và từ sau trận chống càn lịch sử trên, cửa hang núi Canh được nhân dân trong vùng gọi là hang 73(1).

         Đã thành truyền thống, hàng năm, cứ vào sáng ngày 23 tháng 10 (âm lịch) Đảng bộ - chính quyền - MTTQ và các tầng lớp nhân dân trong xã cùng các xã lân cận, lại kính cẩn đặt vòng hoa, dâng hương tưởng nhớ 73 du kích đã hy sinh tại núi Canh. Vào những năm chẵn, đều trang trọng tổ chức lễ “Giỗ trận núi Canh” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ ở địa phương.

         Di tích lịch sử núi Canh ngày nay đã được tôn tạo và gìn giữ nhằm giáo dục thế hệ trẻ ở địa phương luôn nhớ về trang sử hào hùng của ông cha từ đó khơi dậy lòng yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc, giúp các em có ý thức vươn lên trong học tập để góp phần xây dựng xã nhà ngày càng giàu đẹp.

 

(1) Trận càn này, địch đã giết và hun chết 106 người. Trong đó, 73 người được đưa ra khỏi hang, không còn nhận dạng được đã được chôn chung một mộ, gọi là mộ 73 (Lịch sử Đảng bộ xã Yên Đức, tr.55).         

4. AUDIO

3. HÌNH ẢNH

Núi canh nhìn từ trên cao

Tháp

Nhà Bia

Nhà Bia

Nhà Bia

Tháp

Toàn cảnh núi Canh

4. VIDEO

5. BẢN ĐỒ KHU DI TÍCH