Mục lăng

Mục lăng

02/01/2019 | 0
Mục lăng là lăng của vua Trần Minh Tông. Vua Trần Minh Tông (1300-1357) là vị vua thứ 5 của nhà Trần, tên húy là Trần Mạnh, ông là con thứ 4 của vua Trần Anh Tông và mẹ là Bảo Từ hoàng hậu. Ông sinh ngày 21 tháng 8 năm Canh Tí (1300), năm 14 tuổi(1314) ông được vua cha Trần Anh Tông nhường ngôi, ở ngôi 15 năm (1314-1329), làm Thái thượng hoàng 28 năm (1329-1357).

1. GIỚI THIỆU

Mục lăng - lăng vua Trần Minh Tông

         Sinh ra trong buổi thái bình, lớn lên và làm vua trong giai đoạn đất nước đang đà phát triển và ổn định, vua Trần Minh Tông đã khéo kế thừa những thành quả tốt đẹp và làm cho đất nước tiếp tục phát triển phồn vinh. Vua Trần Minh Tông được sử sách ca ngợi là người: “Đem văn minh sửa sang trị đạo, làm rạng rỡ công nghiệp người trước, giữ lòng trung hậu, lo xa cho con cháu, trong nước được yên, bên ngoài theo phục”[1]. Ngày 19 tháng 2 năm Đinh Dậu ông băng ở cung Bảo Nguyên, thọ 58 tuổi. Ngày 11 tháng 11 năm 1357, ông được táng vào Mục lăng ở Yên Sinh (An Sinh).

         Bia Trần triều bi ký cho biết: Minh Tông hoàng đế mất ngày 19 tháng 2 năm Đinh Dậu, táng tại lăng xứ Đồng Mục.

         Năm Minh Mạng thứ 21 (1840) vua Minh Mạng cho dựng bia để ghi nhận vị trí lăng tẩm của các vua Trần ở An Sinh, Mục lăng cũng được dựng bia, hiện tấm bia này không còn nhưng nội dung của bia được ghi lại trong sách Trần Triều thánh tổ các xứ địa đồ như sau: Minh Mệnh nhị thập nhất niên, cửu nguyệt, lục nhật tạo Trần Minh Tông hoàng đế lăng sắc chỉ tạo Nghĩa là ngày mồng 6 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 21 (1840) phụng sắc tạo bia tại lăng vua Trần Minh Tông)”.[2]

         Sách Đại Nam Nhất Thống chí viết: “Lăng Đồng Mục: lăng Trần Minh Tông, ở chân núi xã Yên Sinh, tẩm điện cũ rồng đá, kỳ lân đá vẫn còn”.[3]

         Sách Trần Triều Thánh tổ các xứ địa đồ cho biết: lăng Đồng Mục ở xã Đốc Trại (nay là thôn Trại Lốc) tổng Mễ Sơn, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Theo họa đồ về vị trí của lăng nằm đối ứng với Thái lăng về phía Đông Nam qua suối Phủ Am Trà.

         Như vậy, trên cơ sở các nguồn tư liệu có thể khẳng đinh, Mục lăng nằm ở phía Đông Nam của Thái lăng, cách Thái lăng qua suối Phủ Am Trà. Mục lăng còn được gọi là lăng Đồng Mục. Và cũng giống như Thái lăng, vùng đất xung quanh lăng (thường là đã được cấp cho lăng) được gọi là đồng Mục [lăng]/hoặc xứ đồng Mục [lăng]. Khu đồng hay xứ đồng Mục lăng được gọi tắt là đồng Mục, sau đó tên khu/xứ đồng lại được dùng để chỉ lăng (lăng Đồng Mục) và được sử dụng phổ biến hơn với cái nghĩa đầy đủ là “cái lăng ở xứ Đồng Mục”. Nên, Mục lăng hay lăng Đồng Mục là những tên gọi khác nhau của lăng vua Trần Minh Tông.

         Mục lăng nay đã bị phá hủy hoàn toàn do việc xây dựng đập Trại Lốc vào cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ 20. Tư liệu quan trọng và đáng tin cậy nhất về Mục lăng là những ghi chép trong sách Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ. Sách này ngoài họa đồ về quy chế của Mục lăng thì còn một bản vẽ mặt bằng chi tiết khu trung tâm lăng, với các phần chú thích bản vẽ cụ thể như sau: “Nền thứ nhất dài 10 trượng (33m), rộng 6 trượng (19,8m), khoảng 14 gian; Sân giữa nền ngoài và nền trong dài 3 trượng (9,9m); rộng 1 trượng (3,3m); Nền thứ 2, các chiều đều dài 3 trượng (9,9m), rộng 2 trượng (6,6m), Cao 1 thước (0,33m); Nền thứ 3 trong cùng dài 1 trượng 5 thước (4,95m). Các cửa rộng 4 thước (1,32m) đều có lân đá chầu, còn cả thảy 40 viên đá tảng; Phía trước 2 bên tả hữu (trái, phải) có 2 nền đều dài 4 trượng, 5 thước (14,85m), rộng 2 trượng 7 thước (8,91m). Cửa 4 thước (1,32m)”[4]. Đối chiếu bản vẽ mặt bằng của Mục lăng và bản vẽ mặt bằng của Thái lăng được vẽ lại trong sách Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ với mặt băng kiến trúc của Thái lăng được khảo cổ học phát hiện có thể suy đoán, Mục lăng có cấu trúc tương tự như cấu trúc mặt bằng của Thái lăng, tức là cấu trúc gồm ba cấp nền chồng xếp lên nhau kiểu hình kim tự tháp. Theo đó, cấu trúc tổng thể của Mục lăng sẽ gồm: đường Thần Đạo, sân Hành lễ và khu tẩm điện. Bản vẽ và các chú thích của bản vẽ cho phép suy đoán, Chính Tẩm nằm ở giữa và ở cấp nền cao nhất; Sân bao quanh Chính Tẩm và phân tách Chính Tẩm với lớp kiến trúc ở cấp nền hai. Phía sau Chính Tẩm là tòa Đại Điện, trước Chính Tẩm có cổng vào, hành lang hai bên kết nối từ cổng vào Đại Điện tạo thành một vòng khép kín vây quanh Chính Tẩm.

 

Vị trí được xác định của Mục Lăng

 

         Theo mô tả của sách Trần triều các xứ địa đồ, ngoài dấu vết nền các công trình thì, tại đây còn lại 40 tảng kê chân cột; các dấu vết bậc cấp có thành bậc chạm rồng và chạm sấu, bậc rộng trung bình 4 thước (1,32m). Tháng 11/2015, khi cải tạo hệ thống mương dẫn phía hạ lưu đập Trại Lốc, người ta đã phát hiện 01 tảng đá dùng để xếp bậc cấp và 01 thành bậc. Tảng xếp bậc hình hộp chữ nhật, hai mặt bên làm nhẵn, hai mặt còn lại để thô. Kích thước dài 131cm, mặt rộng 30cm, cao 17cm. Chiều dài của bậc chính là chiều rộng của bậc cấp, kích thước này chênh lệch không nhiều (1cm) so với mô tả của sách Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ. Như vậy, kích thước của tảng xếp bậc mới tìm được tìm thấy chứng tỏ những nghi chép về Mục lăng của sách Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ là có thể tin tưởng được.

 

[1] Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd. tr

[2] Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ. Sđd.

[3] Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tr490.

[4] Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ, Sđd, tờ số

Th.S: Nguyễn Văn Anh

4. AUDIO

3. HÌNH ẢNH

Vị trí của Mục Lăng

Vị trí của Mục Lăng

Vị trí của Mục Lăng

Vị trí của Mục Lăng

Vị trí của Mục Lăng

Vị trí của Mục Lăng

Vị trí của Mục Lăng

Vị trí của Mục Lăng

4. VIDEO

5. BẢN ĐỒ KHU DI TÍCH