Lăng Tư Phúc

LĂNG TƯ PHÚC

20/01/2019 | 0
Lăng Tư Phúc nằm trên một đồi thấp phía sau đền An Sinh, cách đền An Sinh qua hồ Sư Phạm. Đồi này còn được gọi là đồi Trại Lốc, đồi Mít hay đồi Tập Bắn nay thuộc thôn Trại Lốc, xã An Sinh.

1. GIỚI THIỆU

 

Lăng Tư Phúc ngày nay

 

         Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, năm 1381, để tránh việc quân Chiêm Thành (Chăm-pa) tàn phá lăng tẩm, nhà Trần đã cho chuyển thần tượng[1] của các lăng ở Giác Hương/ Quắc Hương (Mỹ Lộc, Nam Định), Thái Đường, Long Hưng, Kiến Xương (Thái Bình) đưa về lăng lớn ở Yên (An) Sinh.

         Ghi chép ngắn gọn của Đại Việt sử ký toàn thư chỉ cho biết thông tin về việc nhà Trần cho xây dựng một lăng lớn ở An Sinh để chuyển thần vị các lăng từ Long Hưng, Quắc Hương về An Sinh, không nói rõ lăng lớn đó tên là gì? Cụ thể có bao nhiêu thần vị được chuyển về? vv...

         Kết quả điều tra, nghiên cứu khảo cổ học khu lăng tẩm nhà Trần ở An Sinh cho phép khẳng định lăng lớn mà nhà Trần cho xây dựng tại An Sinh chính là lăng Tư Phúc. Kết quả khai quật thăm dò tại Tư Phúc năm 2009, ở sườn đồi phía Nam đã tìm thấy dấu vết con đường dẫn từ chân lên đỉnh đồi, đường rộng 3,45m, được kè xếp bằng gạch và cuội. Đó chính là dấu vết đường Thần Đạo của lăng Tư Phúc; Trên đỉnh đồi, cũng đã tìm thấy dấu vết kiến trúc được xây dựng dưới thời Trần của khu trung tâm lăng Tư Phúc bao gồm: Dấu vết sân hành lễ, dấu vết kiến trúc hành lang phía Tây và dấu vết chính tẩm. Qua các dấu vết kiến trúc đã phát hiện cho thấy, khu trung tâm của lăng Tư Phúc được xây dựng theo lối nhiều lớp khép kín, lấy Chính Tẩm (nơi đặt bài vị) là trung tâm, các kiến trúc khác bao quanh kiến trúc trung tâm. Ngoài các di tích, một số di vật của thời Trần cũng đã phát hiện, trong đó có nhiều bộ phận tượng rồng, lá đề trang trí hình chim phượng với những đường nét tinh xảo, vv... các di vật này cho thấy kiến trúc lăng Tư Phúc được trang trí hết sức đẹp đẽ đồng thời thể hiện tính chất công trình lăng tẩm quan trọng của hoàng gia nhà Trần.

         Bên cạnh các dấu vết kiến trúc thời Trần, tại lăng Tư phúc cũng đã phát hiện các di tích kiến trúc và các di vật của thời Lê Trung hưng. Các di tích, di vật này cho thấy, dưới thời Lê Trung hưng, việc phát hiện di tích, di vật thời Lê Trung hưng tại đây là minh chứng về việc triều đình thời Lê Trịnh đã cho trùng tu, tôn tạo lăng Tư Phúc. Điều này cũng phù hợp với những ghi chép trong thư tịch, theo đó, dưới thời Lê Trung hưng, lăng Tư Phúc đã được nhà Lê cho trùng tu, sửa chữa vào các năm Hồng Thuận (1509 - 1516); Hoằng Định (1601 - 1619).[2] Bên cạnh việc trùng tu, tôn tao lăng Tư Phúc, các vua nhà Lê và chúa Trịnh cũng rất quan tâm đến việc trông coi, thờ phụng lăng tẩm và nơi thờ cúng các vua Trần ở Đông Triều, bằng việc cấp đất cho các lăng tẩm, miễn trừ phu, phen tạp dịch cho dân xã An Sinh để dân trong xã có điều kiện trông coi và thờ phụng lăng tẩm.

         Kết quả khai quật khảo cổ học cũng cho thấy, việc trùng tu dưới thời Lê Trung hưng về cơ bản đã làm biến đổi cấu trúc tổng thể mặt bằng kiến trúc của lăng Tư Phúc so với thời Trần, kiến trúc hành lang phía trước Chính Tẩm của thời Trần đã được mở rộng về sân hành lễ phía trước thành một tòa kiến trúc 7 gian, gian giữa rộng 3,2m, các gian còn lại rộng 2,9m.

          Lăng Tư Phúc là nơi thờ thần vị của những vị vua nào là vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

         Đại Việt sử ký toàn thư là tư liệu sớm nhất hiện còn chép về sự kiện này. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì: “Tân Dậu, năm thứ 5 (1381)… tháng 6, rước thần tượng ở các lăng Giác Hương, Thái Đường, Long Hưng, Kiến Xương đem về lăng lớn Yên Sinh”[3].

         Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Rước thần tượng các lăng ở Quắc Hương (là tên gọi khác của Giác Hương - TG), ở Thái Đường, ở Long Hưng, ở Kiến Xương đưa về An Sinh, cốt để tránh nạn người Chiêm sang xâm lấn quấy nhiễu”[4].

          Như đã biết, Thái Đường, tức Tam Đường có 04 lăng gồm Thọ lăng, Dụ lăng, Chiêu lăng và Đức lăng; Long Hưng là tên phủ, Thái Đường thuộc phủ này. phủ Long Hưng sau gọi là phủ Kiến Xương.

         Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư thì An lăng của vua Trần Hiến Tông xây dựng ở phủ Kiến Xương[5], kết quả điều tra nghiên cứu tại Lỗ Giang/Kiến Xương không tìm thấy dấu vết lăng tẩm, trong khi đó di tích lăng tẩm của vua Trần Hiến Tông tại An Sinh có quy mô rất lớn và được gọi là Ngải Sơn lăng. Khoảng những năm 80 của thế kỷ XX, những người đào trộm để tìm của cải đã quật lên toàn bộ phần quách gỗ, rất tiếc không có bất kỳ một nghiên cứu cụ thể nào khi quách gỗ được quật lên nhưng kết quả khai quật tại Ngải Sơn lăng năm 2014 đã cung cấp những bằng chứng xác thực về việc tồn tại của Ngải Sơn lăng từ thời Trần tại An Sinh. Điều này cho phép xác định, trong số các thần vị nhà Trần cho chuyển từ Nam Định, Thái Bình về Đông Triều, không có thần vị của vua Trần Hiến Tông vì vua đã được an táng tại An Sinh ngay sau khi mất, năm 1344.

         Giác Hương nay thuộc huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định, không có lăng của vua Trần nào được xây dựng tại đây. Như vậy, với những bằng chứng khảo cổ học được tìm thấy tại lăng Tư Phúc đã minh chứng những ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư về việc nhà Trần cho xây dựng lăng lớn ở An Sinh để chuyển thần vị của các lăng từ Thái Bình về đây là hoàn toàn đúng, tuy nhiên địa điểm các lăng được chuyển về thì sách Đại Việt sử ký toàn thư có một số nhầm lẫn. Sự nhầm lẫn này của Đại Việt sử ký toàn thư cũng dẫn đến sai lầm của một số bộ sử giai đoạn sau, trong đó có sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục.

         Một số tài liệu khác ghi chép chi tiết hơn về vấn đề này. Sách Đại Nam nhất thống chí chép “Lăng Tư Phúc nhà Trần: Ở xã An Sinh, huyện Đông Triều. Lăng tẩm Trần Thái Tông, Thánh Tông và Giản Định Đế đều ở đây”[6]. Đây là tài liệu chính thống đầu tiên có nhắc đến tên lăng Tư Phúc.

         Ngoài ghi chép của các bộ quốc sử, các sách khác cũng ghi chép về vấn đề này. Sách Trần triều lăng tẩm đồ mạn ký do Nguyễn Tư Giản viết khi ông đang làm Tham biện quân vụ Hải - Yên (1863-1865), phần chép về lăng Tư Phúc cho biết “Truyền rằng đây là lăng Thái Tông, Thánh Tông và nghi là có cả lăng Giản Định Đế”[7].

         Trần Triều thánh tổ các xứ địa đồ, cuốn sách được cho là viết vào thời Minh Mạng (1820-1840), bản hiện còn do Tiên chỉ làng Đốc Trại (nay là Trại Lốc) là ông Lương Quang Bảo sao chép lại vào ngày 19 tháng 07 năm Bảo Đại thứ 17 (1942). Trong sách này, ngoài bản vẽ về thế núi, mặt bằng các công trình kiến trúc còn lại ở Tư Phúc, sách còn cho biết thông tin, tại đây có 3 tấm bia đá được dựng vào ngày 06 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 21. Nội dung bia cụ thể như sau: Bia thứ nhất: “ (Minh Mạng nhị thập nhất niên, cửu nguyệt, sơ lục nhật phụng Trần triều Thái Tông hoàng đế lăng sắc tạo; nghĩa là: Ngày mồng 6 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 21 (1840) tạo (bia) tại lăng hoàng đế Trần Thái Tông theo sắc chỉ)”; Bia thứ hai: “ (Minh Mạng nhị thập nhất niên, cửu nguyệt, sơ lục nhật phụng Trần triều Thánh Tông hoàng đế lăng sắc tạo; nghĩa là: Ngày mồng 6 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 21 (1840) tạo (bia) tại lăng hoàng đế Trần Thánh Tông sắc chỉ)”; Bia thứ ba “ (Minh Mạng nhị thập nhất niên, cửu nguyệt, sơ lục nhật phụng Trần triều Giản Định hoàng đế lăng sắc tạo; nghĩa là Ngày mồng 6 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 21 (1840) tạo (bia) tại lăng hoàng đế Trần Giản Định theo sắc chỉ)”. Cả 3 bia này hiện không còn, tuy nhiên, như đã biết, năm 1840 vua Minh Mạng đã cho dựng bia ghi nhớ vị trí lăng tẩm của các vua Trần ở An Sinh, do vậy việc sách Trần Triều thánh tổ các xứ địa đồ ghi nhận có 3 bia đá như trên là hoàn toàn có thể tin được.

         Như vậy, theo ghi chép của thư tịch thời Nguyễn thì lăng Tư Phúc là nơi thờ thần tượng của hai vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và nơi táng của vua Trần Giản Định.

         Vua Trần Thái Tông nguyên tên thật là Trần Bồ sau đổi thành Trần Cảnh, năm 1225, ông được vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi, đánh dấu sự chuyển giao quyền lực từ nhà Lý (1009-1225) sang nhà Trần. Trần Thái Tông ở ngôi hơn 32 năm (1225-1259), làm Thái Thượng hoàng 19 năm, ông mất ngày mồng 1 tháng 4 năm Đinh Sửu (1277) tại cung Vạn Thọ, sau đó được táng tại Chiêu Lăng, nay thuộc thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, năm 1381 thần tượng được rước về lăng Tư Phúc ở An Sinh.

         Vua Trần Thánh Tông là vị vua thứ hai của triều Trần, tên húy là Trần Hoảng. Ngày 24 tháng 2 năm Mậu Thân (1258), sau khi đánh thắng cuộc xâm lược của quân Nguyên - Mông lần thứ nhất, ông được vua cha Trần Thái Tông nhường ngôi. Vua Trần Thánh Tông ở ngôi 21 năm, làm Thái Thượng hoàng 12 năm, mất ngày 25 tháng 5 năm Trùng Hưng thứ 6 (1290) tại cung Nhân Thọ, thọ 51 tuổi, táng vào Dụ lăng ở Tam Đường (Thái Bình). Năm 1381 thần tượng được rước về lăng Tư Phúc ở An Sinh.

         Trần Giản Định tên thật là Trần Ngỗi, là con thứ của vua Trần Nghệ Tông, dưới thời Trần được phong làm Giản Định vương, nhà Hồ thay nhà Trần (1400) đổi phong ông là Nhật Nam quận vương. Khi quân Minh đánh bại quân dân nhà Hồ, tướng nhà Minh là Trương Phụ treo bảng tìm con cháu nhà Trần để giúp nhưng thực ra là để sát hại[8], Trần Ngỗi phải trốn về Mô Độ (Ninh Bình). Lúc ấy, tại Mô Độ, Trần Triệu Cơ đang tụ tập lực lượng để chống lại quân Minh nên lập ông làm chủ. Ngày 2 tháng 10 năm Đinh Hợi (1407) ông lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu là Hưng Khánh, lập nên nhà Hậu Trần. Sử gọi ông là Giản Định Đế. Tháng 7 năm 1409 trong trận chiến với quân Minh, Giản Định Đế bị quân Minh bắt và đưa về Kim Lăng (Trung Quốc), sau đó ông bị giết tại Trung Quốc. Như vậy, Giản Định Đế bị giết hại tại Trung Quốc, không có tài liệu nào nhắc đến việc thi hài của ông được đưa về Đại Việt. Trong tình hình đất nước bị chiếm đóng, những người trong dòng tộc nhà Trần bị ly tán, việc đưa thi hài của Giản Định Đế về là việc khó có thể diễn ra. Do vậy, việc cho rằng lăng Tư Phúc có phụ táng Giản Định Đế là không có cơ sở[9]. Tuy nhiên, việc các triều đại về sau có phối thờ vua Trần Giản Định vào Tư Phúc cũng hoàn toàn có thể vì, trên thực tế, Tư Phúc vốn chỉ là nơi thờ thần vị của hai vua Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông, do đó việc đặt bài vị của vua Trần Giản Định tại đây để thờ phụng là hoàn toàn có thể. Việc phối thờ này có thể diễn ra sau khi nhà Lê tôn tạo lại lăng Tư Phúc (?).

         Như vậy, với tình hình tư liệu hiện nay, có thể khẳng định: Tư Phúc chính là lăng lớn mà nhà Trần xây dựng năm 1381 tại An Sinh để làm nơi thờ thần vị của các vua được chuyển về từ Long Hưng. Điều này cũng đồng nghĩa phủ nhận quan điểm cho rằng, điện An Sinh được xây dựng vào năm 1381 để làm nơi thờ thần vị các vua chuyển về từ Long Hưng;

         Lăng được xây dựng trên một đồi thấp theo phong cách lấy núi làm lăng, cấu trúc gồm: Thần Đạo, Sân hành lễ, Khu kiến trúc trung tâm, trong đó khu kiến trúc trung tâm cấu trúc kiểu “kim tự tháp” gồm 3 cấp nền chồng xếp lên nhau, trong đó Chính Tẩm ở giữa trên cấp nền cao nhất, bao quanh Chính Tẩm là khoảng sân rồi đến các lớp kiến trúc khác. Cấu trúc này giống với cấu trúc của là lăng vua Trần Anh Tông (Thái lăng).

         Dưới thời Trần, Tư Phúc là nơi thờ thần vị của hai vua Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông, sau này, muộn nhất đến thời Lê Trung hưng khi Tư Phúc được trùng tu lại thì Giản Định đế được phối thờ tại Tư Phúc và việc thờ tự này được duy trì đến khi lăng Tư Phúc bị phá hủy.

 

[1] Thần tượng tức là bài vị. Một số ý kiến cho rằng, việc di chuyển thần tượng chỉ là hình thức làm lạc hướng quân Chămpa! Tuy nhiên nhiều người cho rằng việc di dời thần vị các lăng về An Sinh là thể hiện ý nguyện “lá rụng về cội” của các vua Trần, đồng thời nó cũng thuận tiện cho việc tổ chức tế lễ lăng tẩm hàng năm của triều đình. Ở đây chúng tôi không bàn sâu đến mục đích của việc chuyển Thần vị mà chỉ xem việc đó có diễn ra trên thực tế hay không và lăng lớn ở Yên Sinh là lăng nào?. 

[2] Đại Nam nhất thống chí. Nxb Thuận Hóa, Huế 2006. tr 490

[3] Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd. tr683.

[4] Khâm Định Việt sử thông giám cương mục. Bản điện tử. tr302.

[5] Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd, tr.628

[6] Đại Nam nhất thống chí. Sđd, tr490.

[7] Nguyễn Tư Giản. Lăng tẩm đồ mạn ký. Tư liệu Viện Hán Nôm, ký hiệu VHv.1755.

[8] Khi nhà Minh sang đánh Đại Việt quân Minh lấy cớ là phù Trần diệt Hồ (ủng hộ nhà Trần, diệt nhà Hồ) nên khi đánh bại nhà Hồ, tướng của nhà Minh là Trương Phụ đã giả treo bảng tìm con cháu nhà Trần để lập làm vua nhưng thực chất là để giết hại.

[9] Nguyễn Văn Anh. 2013. Quần thể di tích lăng tẩm các vua Trần ở Đông Triều, Quảng Ninh. Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, tr.

Th.S: Nguyễn Văn Anh

4. AUDIO

3. HÌNH ẢNH

Lăng Tư Phúc

Lăng Tư Phúc

Lăng Tư Phúc

Lăng Tư Phúc

4. VIDEO

5. BẢN ĐỒ KHU DI TÍCH