Chùa Trung Tiết

Chùa Trung Tiết (chùa Tuyết)

16/12/2018 | 0
Chùa Trung Tiết hay chùa Tuyết thuộc thôn Nghĩa Hưng, xã An Sinh. Do hai vị trung thần Đặng Tảo và Lê Chung xây dựng, chùa thuộc hệ thống Trúc Lâm.

1. GIỚI THIỆU

Toàn cảnh chùa Trung Tiết nhìn từ trên cao

 

         Chùa Trung Tiết (chùa Tuyết) nay thuộc thôn Nghĩa Hưng, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh, cách đền An Sinh khoảng 2km về phía Đông Bắc. Chùa Trung Tiết vốn do Lê Chung và Đặng Tảo xây dựng vào đầu thế kỷ XIV, khi hai ông về sinh sống và trông coi lăng tẩm của vua Trần Anh Tông tại An Sinh. Vua Trần Nghệ Tông khi về bái yết lăng tẩm các vua Trần tại An Sinh, đến thăm chùa, tưởng nhớ hai vị trung thần, cảm kích trước tấm lòng trung hiếu, tiết nghĩa của hai vị, vua Trần Nghệ Tông đã sai Trần An trùng tu lại ngôi chùa cũ của Đặng Tảo và Lê Chung, lại cấp ruộng đất để thờ cúng và ban tên chùa là chùa Trung Tiết (Trung hiếu, Tiết nghĩa) nhằm ghi nhận tấm lòng trung hiếu tiết nghĩa của hai ông.

         Đặng Tảo và Lê Chung là hai vị trung thần của vua Trần Anh Tông. Khi vua Trần Anh Tông lâm chung, Thái học sinh Đặng Tảo ngồi hầu bên giường ngự để viết di chiếu; vua Trần Anh Tông mất, ông và Lê Chung đã tự nguyện về An Sinh dựng lều để trông coi lăng tẩm của vua (Thái lăng). Để dồn hết tâm sức vào việc trông coi lăng tẩm, hai ông đã dời cả gia đình, mồ mả tổ tiên về An Sinh và sinh sống ở đây đến cuối đời. Hành động của Lê Chung và Đặng Tảo thể hiện rõ khí tiết của một người trung thần, luôn tận tuỵ, cần mẫn, son sắt một mực vì vua, vì nước mà quên đi lợi ích của bản thân, gia đình, để lại nét đẹp trong truyền thống văn hoá, đạo lý của người dân Đại Việt, đáng để muôn đời trân trọng, tôn vinh và ngợi ca.

 

         

        Ngoài những ghi chép ít ỏi của Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí về sự kiện vua Trần Nghệ Tông cho trùng tu và ban chữ cho chùa nên trên, hiện chúng ta không có thêm thông tin về di tích này. Dấu vết vật chất của các thời kỳ khác nhau còn trong khuôn viên chùa cũng tương đối mờ nhạt, tại đây, đâu đó còn lại những tảng kê chân cột bằng đá cát (sa thạch), mặt trang trí hoa sen, một loại hình chân tảng điển hình của kiến trúc thời Trần. Bên cạnh đó, các loại gạch ngói, đặc biệt là những tượng rồng là những thành tố trang trí tiêu biểu trên mái kiến trúc thời Trần cũng được tìm thấy trong khuôn viên chùa. Bên cạnh di vật thời Trần, tại đây cũng tìm thấy một số di vật của các thời sau, trong đó chủ yếu là các di vật thời Nguyễn. Trong số các di vật thời Nguyễn còn lại, tiêu biểu nhất là tấm bia Trung Tiết tự bi ký bằng đá xanh, dựng dưới thời vua Bảo Đại.

         Kết quả khai quật tại Trung Tiết đã làm phát lộ dấu vết củaphát hiện dấu vết kiến trúc của các thời Trần, Lê Trung hưng và thời Nguyễn, cho thấy quá trình tồn tại và phát triển liên tục của chùa Trung Tiết. Tuy nhiên do nhiều nguyên do khác nhau, kiến trúc chùa Trung Tiết của các thời kỳ không còn. Năm 2018, chùa được trùng tu, tôn tạo lại trên nền chùa cũ của thời Trần. Chùa mới có cấu trúc, phía trước là hồ bán nguyệt, Tam Quan, Tam Bảo hình chữ Công, hành lang, dải vũ và nhà tổ; Hai bên phía trước có lầu chuông và nhà bia; phía sau bên phải là cung vua là nơi thờ đức vua Trần Anh Tông và hai vị Trung thần Lê Chung và Đặng Tảo; bên trái là Cung mẫu nơi thờ tam vị thánh mẫu.

ThS. Nguyễn Văn Anh

4. AUDIO

3. HÌNH ẢNH

Cắt băng khánh thành chùa Trung Tiết

Lễ Thượng Lương tại chùa Trung Tiết

Toàn cảnh chùa Trung Tiết

Chùa Trung Tiết nhìn từ trên cao

Tòa Tam Bảo chùa Trung Tiết

4. VIDEO

5. BẢN ĐỒ KHU DI TÍCH